Nhu cầu thế giới tăng cao, song nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đánh giá sự chậm trễ của quốc gia nào trong chính sách hỗ trợ ngành xuất khẩu sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) ở quốc gia khác.
Cạnh tranh bằng chính sách hỗ trợ
Thực tế, ngành dệt may Việt Nam đang phải từ chối nhiều đơn hàng do những khó khăn nhất định về nguồn cung nguyên vật liệu, phụ kiện do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao... Do vậy, ông Trường kiến nghị Chính phủ cần cho áp dụng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) bằng 0% đối với hàng hóa nội địa đưa vào phục vụ sản xuất xuất khẩu, kích thích sử dụng nguyên liệu trong nước, giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục giảm thuế thu nhập DN trong năm 2022; giữ nguyên mức phí thuê đất, giá điện, nước như năm 2021...
![]() |
Cần nhanh chóng triển khai gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19. |
Về giải pháp tiền tệ, Chủ tịch Vinatex kiến nghị cần xác định tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định vĩ mô nhưng hướng đến thúc đẩy xuất khẩu trong tương quan với các quốc gia cạnh tranh chủ yếu trên thị trường thế giới. Lãi suất và thủ tục cho vay vốn lưu động phục vụ hàng hóa xuất khẩu cần được ưu tiên...
Điều này cho thấy nhu cầu của DN trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ là rất lớn. Song trên thực tế, Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 (gói kích thích kinh tế), trong đó bao gồm nhiều giải pháp hỗ trợ DN thì dường như vẫn chậm triển khai trên thực tế.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét đã gần nửa năm 2022 nhưng tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm: "Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Lúc trình, ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã có nhưng không hiểu vì sao chậm".
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết theo tính toán của Chính phủ, nếu không có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra (6,5-7%/năm), nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới là rất lớn.
Xét về quy mô, tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của chương trình vào khoảng 346.800 tỷ đồng, tương đương 4,24% GDP. Đến thời điểm này đã có một số hỗ trợ đã được thực thi như giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô..., nhưng ông Hiếu đánh giá còn nhiều hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được thực hiện hóa như hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng...
Vấn đề thực thi vẫn là 'nút thắt'
Theo đó, ông Hiếu cho rằng việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, DN vừa là yêu cầu nhưng cũng đang là thách thức. Sự khẩn trương, quyết liệt, tích cực của các cơ quan, tổ chức có liên quan là giải pháp duy nhất.
Trong đó, một số hỗ trợ có phạm vi đối tượng rộng với nhu cầu hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, hay hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. "Việc làm thế nào để các DN tiếp cận công bằng các khoản vay có hỗ trợ lãi suất cũng như lựa chọn đúng, hợp lý danh mục dự án đầu tư cơ sở hạ tầng... là một nhiệm vụ không dễ dàng", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, để đáp ứng yêu cầu này và vượt qua thách thức, các cơ quan thực thi nên xem xét và bám sát vào các tiêu chí phân bổ nguồn lực trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, để từ đó xác định đối tượng hỗ trợ cũng như quy định trình tự, thủ tục và điều kiện tiếp nhận hỗ trợ.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có 3 công điện nhằm đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm tiến độ công việc được giao.
Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, nhìn chung, các bộ, cơ quan và địa phương đã tích cực, khẩn trương triển khai công việc được giao; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung cụ thể về văn bản pháp luật để triển khai nhiều chính sách thuộc Chương trình như quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; nghị định về hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; các quyết định về hỗ trợ lãi suất, phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu...
Về phần mình, Bộ KH&ĐT cho biết đã có 4 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 26/4/2022 về danh mục, mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025...
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc triển khai thực thi các chính sách hỗ trợ vẫn đang là nút thắt. Không chỉ gói kích thích kinh tế, Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 mới công bố về kết quả thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (có hiệu lực từ 1/1/2018) cho thấy việc thực thi hỗ trợ còn khá khiêm tốn trên thực tiễn.
Theo đó, tỷ lệ DN đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%. Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ DN tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% DN thực tế đã tiếp cận. Chương trình có tỷ lệ DN được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% DN đã được thụ hưởng, do phần lớn DN nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.
Đáng chú ý, khoảng 51,3% DN trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong số các DN biết đến Luật này, chỉ 36,8% DN đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trong quý II/2022, Bộ KH&ĐT đề nghị triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác của Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án về đầu tư công thuộc Chương trình.
TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia Theo dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Chương trình phục hồi kinh tế sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, với 2 kịch bản. Kịch bản 1, thực hiện hiệu quả, các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023; Kịch bản 2 thực hiện kém hiệu quả: Việc giải ngân chậm so với dự kiến, tỷ lệ giải ngân thấp chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023. Kết quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế có vai trò quyết định để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra.
Ông Nguyễn Công Hoan Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Hơn ai hết, DN du lịch mong muốn gói kích thích kinh tế cần nhanh chóng được triển khai để giúp nền kinh tế phục hồi, thu nhập người dân cải thiện, DN được cứu sống. Gói kích thích kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, chỉ khi nào thu nhập của người dân cải thiện, mức sống tăng cao thì chúng tôi mới phát triển được. |
Nhật Linh