Nhắc tới bộ phim "Bao giờ cho đến tháng mười", ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là thời điểm "hồi sinh" của doanh nghiệp (DN). Đơn cử như, TP.HCM đã mở cửa từ ngày 1/10. Mở cửa kinh tế chính là gói hỗ trợ cho DN hay còn gọi là "trợ thở" cho DN.
Làm 'công tác dân vận' với người lao động
Nếu như mọi năm vào thời điểm gần diễn ra Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), cộng đồng DN sẽ rất bận rộn, chuẩn bị tham gia các cuộc gặp mặt, chúc mừng, song năm nay chia sẻ với VnBusiness, niềm vui mà DN mong đợi nhất là hoạt động sản xuất được phục hồi, người lao động trở lại làm việc.
Tháng 10 được kỳ vọng là thời điểm "hồi sinh" của cộng đồng doanh nghiệp. |
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ việc duy trì sản xuất 3 tại chỗ như vừa qua khiến DN tốn tới cả tỷ đồng/tháng, song đảm bảo sản xuất không chỉ giúp DN duy trì được các các đơn hàng mà quan trọng là giúp cho người lao động ở lại yên tâm sản xuất.
Với những lao động buộc phải về quê, DN phải dành bộ phận nhân sự gồm 50 người thường xuyên gọi điện trao đổi thăm hỏi cuộc sống của người lao động, hay nói cách khác là làm "công tác dân vận", thuyết phục người lao động quay trở lại làm việc sau dịch.
Ông Việt Anh cho biết, để quay trở lại hoạt động từ 80 - 100% công suất, thì các vị trí trong dây chuyền hoạt động của DN phải được đảm bảo. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát thì việc ổn định tâm lý của người lao động là rất quan trọng.
Thời gian này, DN đếm từng người vào làm việc tại công xưởng. Thậm chí lao động ở Đồng Nai chỉ qua được phà Cát Lái là công ty Nam Thái Sơn có xe tới đón về TP.HCM. Chúng tôi cũng mong muốn nếu được có thể tổ chức xe của DN về quê đón lại người lao động.
"Tâm lý của người lao động hiện nay khá hoang mang, họ có thể quyết tâm đi vài trăm km bằng xe máy để về quê, song khi trở lại nếu bắt họ vượt hàng trăm km cũng bằng xe máy thì chẳng ai muốn, chưa kể lại không biết tương lai công việc của mình ra sao. Do vậy, việc ổn định tâm lý, làm "công tác dân vận" với người lao động rất quan trọng", ông Việt Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay khi chưa có chỉ thị thực hiện 3 tại chỗ, DN đã tự xây dựng vùng xanh cho mình, do vậy dịch bệnh không lây lan vào nhà máy được. Tuy nhiên, tâm trạng ai cũng vậy, việc yêu cầu công nhân xa gia đình để vào làm việc trong nhà máy cả tháng trời là điều rất khó khăn. Do vậy, mình là chủ DN thì phải là người đi đầu, làm gương chuyển đến sống cùng với anh em công nhân, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của từng người để duy trì sản xuất.
Ông Tứ nhấn mạnh: "Dù khó khăn nhưng chúng tôi tự động viên nhau còn sức khỏe là còn công việc, nếu DN đóng cửa thì gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước, anh em công nhân mất việc làm".
Không thể ngờ dịch bệnh kéo dài lâu tới vậy - là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn edX. Ông cho biết do không lường trước được tác động của dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng, xưởng sản xuất tóc giả bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế. Mảng nhập hàng qua hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng bị tạm ngưng do nhu cầu khách hàng giảm, chi phí tăng cao càng làm càng lỗ.
Lắng nghe DN để 'gãi' đúng chỗ
Trước tình cảnh đó, DN phải chuyển toàn bộ hệ thống sang hoạt động online. Bên cạnh đó, edX triển khai thêm dự án xây dựng hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate - Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, điều đó cho thấy, trong thời gian qua, nhiều DN đã rất nỗ lực nhưng đúng là COVID-19 đã tạo ra rất nhiều khó khăn với các DN khi áp dụng giãn cách xã hội, thị trường bị thu hẹp. DN vẫn cố gắng để có thể duy trì sản xuất trong điều kiện có thể, song chi phí tăng lên lớn, hàng hóa tồn đọng nhiều. Hiệu quả hoạt động của DN giảm sút, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu khả năng thanh khoản, mất khả năng thanh toán.
Ông Vũ Tiến Lộc nói rằng, cùng lúc DN phải chịu nhiều áp lực lớn như: Chi phí phòng chống dịch, hậu quả kinh tế, hệ luỵ nặng nề nhất về tâm lý xã hội của người chủ DN và người lao động. Không ít doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vì lo lắng, bất an.
Trước khó khăn trên, ông Lộc cho rằng cần phải nhanh chóng mở cửa lại thị trường. Nếu không, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh về thị trường với Việt Nam. Theo nhận định của ông, vừa qua, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.
Cụ thể, các giải pháp hỗ trợ DN được ông Lộc nêu ra là Chính phủ "trợ thở" để mở cửa kiên định, nhất quán. Chính phủ đang bàn về lộ trình mở cửa, nhưng chúng ta phải có quy định sống chung với dịch, tạo tâm thế chủ động cho cộng đồng DN, người dân, đây là điều kiện rất thuận lợi để DN yên tâm cho kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó là biện pháp "tiếp máu": Tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội. Thời gian qua, gói hỗ trợ tương đối lớn nhưng cần dành thêm nguồn lực để bổ sung, mở rộng thêm phạm vi như giảm thuế giá trị gia tăng, cộng hưởng thêm giải pháp về tài khóa, tiền tệ. Cuối cùng là cải cách thể chế, đơn giản thủ tục hành chính cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa...
Trong khi đó, ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Chính phủ cần tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, nghe thật kỹ, "gãi" đúng chỗ. DN ở TP.HCM muốn trở lại sản xuất thì phải đảm bảo cho họ có lòng tin, có nguồn lao động.
Đáng chú ý, ông Hợp cho rằng có thể chúng ta phải tìm cách để "vay tương lai, sống cho hiện tại", đảm bảo DN có nguồn vốn để phục hồi sản xuất, thay vì "hai bàn tay trắng". Xử lý nhanh chóng những khó khăn, bức xúc của DN. "DN phát triển, thì quốc gia mới phát triển, DN thành công thì quốc gia thành công và DN giàu có thì quốc gia giàu có", ông Hợp chia sẻ.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, DN và người dân chịu tác động rất mạnh của bệnh dịch, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế trước tiên phải lấy DN và người dân làm trung tâm và là mục tiêu của các chính sách can thiệp. Duy trì được cho DN sống sót, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh ở mức tối thiểu là yêu cầu đầu tiên... Cần phải có cách tiếp cận kết hợp, khoanh vùng dịch bệnh và thích ứng với sự tồn tại dai dẳng của COVID cùng với phục hồi nền kinh tế. Ông Phạm Đình Đoàn Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Thời gian dịch bệnh khó khăn vừa qua, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng DN Việt Nam có thể lên tới 200-300 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. Do đó, các DN đang rất cần sự hỗ trợ các dòng tiền từ Nhà nước, nhằm duy trì hoạt động cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động - những người đã phải bỏ về quê trong thời gian giãn cách khó khăn. Đồng thời, DN cũng cần chủ động triển khai 3 kế hoạch là tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả của từng lĩnh vực, trong đó duy trì và đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả. Ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP.Hà Nội Việc hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi, các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa. |
Lê Thúy