Qua trao đổi với một lãnh đạo tập đoàn lớn của châu Âu vào hạ tuần tháng 6/2024, khi bàn về tình hình thị trường ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng tình hình ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất vẫn chưa hạ nhiệt trên các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như châu Âu và Mỹ. Điều này dẫn tới nhu cầu mua quần áo của người tiêu dùng giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam.
Nhìn từ mức độ tuân thủ của dệt may
Tuy vậy, theo ông Trường, một trong những yếu tố tích cực cho dệt may Việt Nam gần đây là xu hướng dịch chuyển sản xuất, mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do những vấn đề liên quan đến siết chặt quy định về lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) và khu vực Châu Âu.
Để kết nối giao thương thành công với đại diện một siêu thị ở Mỹ đòi hỏi các DN nông sản thực phẩm Việt cần đáp ứng được những xu hướng mua hàng mới tại nước này. |
Cho nên, như chia sẻ của vị chủ tịch Vinatex, các DN dệt may cần phát huy những lợi thế nhất định trong chuỗi cung ứng nếu tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế này.
Ngoài ra, trong chia sẻ mới đây với các DN dệt may, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã lưu ý về việc EU đưa ra Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, cũng như quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” trong hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA).
Trong năm 2024, EU đã đưa ra quy định về Thiết kế sinh thái (Eco – design) trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm trong Farm to fork. Các quy định này đều đòi hỏi các nhà sản xuất, XK phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng.
Cụ thể, Eco – design tập trung nhiều vào vòng tuần hoàn của sản phẩm và thiết kế làm sao để sản phẩm đó không dừng ở nước sản xuất mà đến được người tiêu dùng. Sản phẩm tuần hoàn này liên quan nhiều đến nguyên vật liệu sản xuất, đảm bảo thân thiện với môi trường hơn, quy trình sản xuất sạch hơn. Đây là quy định mới ra, rất được quan tâm tại EU với yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo phát triển xanh, bền vững từ nguyên vật liệu, quy trình sản xuất đến năng lượng sạch trong sản xuất…
Do vậy, theo bà Lan Anh, các DN dệt may Việt Nam cần phải nắm vững những quy định, thông tin mới. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu XK vào thị trường EU thì các DN cần trang bị thêm công nghệ và không ngừng cải tiến chất lượng.
Riêng với thị trường Mỹ, thông tin mới đây cho thấy Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần XK hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 3 quốc gia XK dệt may lớn nhất thế giới. Điều này được cho là nhờ các DN dệt may Việt Nam dần thích nghi, tuân thủ những điều kiện đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các nhà nhập khẩu Mỹ.
Nhất là các DN đáp ứng được các tiêu chuẩn về hàng hóa, về xuất xứ phù hợp với thị trường Mỹ, đảm bảo tuân thủ được những tiêu chuẩn thiết yếu về kiểu mẫu, hình dáng và kích thước, kỹ thuật sản xuất cách ghi nhãn, đóng gói, bao bì, vận tải và bảo quản hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…
Chú ý đến yếu tố chuỗi cung ứng phát triển
Không chỉ với dệt may, XK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU hay Mỹ hiện tại cần vượt qua những thách thức cơ bản cũng như các thay đổi trong xu hướng mua hàng mới.
Như với thị trường châu Âu, Ts. Nguyễn Thái Chuyên (Đại học RMIT) cho rằng đây là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hoá rất khắt khe, vì vậy DN Việt Nam muốn tiếp cận thị trường này tốt hơn nữa thì cần phải có nỗ lực tự thay đổi và thích ứng, đồng thời tận dụng tối đa hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và hiệp hội.
“DN cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU. Họ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Chuyên nói.
Bên cạnh đó, lưu ý các nhà XK của Việt Nam về xu hướng mua hàng mới của thị trường châu Âu và Mỹ hiện nay, bà Trần Quỳnh Hương, Trưởng Ban Tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (SOA), cho biết một số ngành công nghiệp mới sẽ có nhiều cơ hội mới như bao bì tái chế, vật liệu tái chế, sản xuất công nghệ cao, sản phẩm thương mại điện tử, sản phẩm đa năng.
Về các kênh mà các nhà mua hàng hay sử dụng để tiếp cận nhà cung cấp, theo bà Hương, tại EU, có 43% là tại các triển lãm thương mại, 41% các trang web của doanh nghiệp (DN) và 40% thông qua các đại diện bán hàng hay văn phòng tư vấn. Còn tại Mỹ, 46% là thông qua các trang web của DN, 43% qua các công cụ tìm kiếm trực tuyến và 35% thông qua các đại diện bán hàng hay văn phòng tư vấn.
Xét về xu hướng mua hàng mới và các nhu cầu mới của nhà mua hàng tại EU và Mỹ, như chia sẻ của bà Hương, có tất cả 4 yếu tố. Thứ nhất là số hóa và tự động hóa việc mua hàng sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu. Thứ hai là tập trung vào tính linh hoạt, nhanh nhẹn và khả năng phục hồi. Thứ ba là xây dựng mối quan hệ bền vững với nhà cung cấp để đảm bảo chuỗi cung ứng. Thứ tư là trách nhiệm xã hội của DN đang được đặt lên hàng đầu.
Trước những xu hướng mới như vậy, bà Hương khuyến nghị các nhà XK của Việt Nam cần chú ý đến yếu tố chuỗi cung ứng phát triển. Cụ thể, nguyên vật liệu cần được nội địa hóa hoặc khu vực hóa hay cho phép tận dụng được các FTA để có thuế suất ưu đãi nhất, đặc biệt là đối với thị trường trong EVFTA nhằm tối ưu hóa chi phí, giá thành.
Chẳng hạn như các DN trong nước có thể chuyển sang nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ các quốc gia châu Á khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản để tăng cường và thúc đẩy chuỗi cung ứng liên kết giữa các quốc gia nằm trong các FTA như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP hay EVFTA) theo nguyên tắc cộng gộp.
Ngoài ra, vị trưởng ban tư vấn chuỗi cung ứng SOA có lời khuyên cho các nhà sản xuất Việt Nam muốn thâm nhập thành công vào các thị trường Âu-Mỹ cần nỗ lực khai thác mạng lưới liên kết, đẩy mạnh hoạt động marketing để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường. Mặt khác, chẳng hạn như thị trường EU, các DN nên lưu tâm về các yêu cầu đối các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải có tính bền vững, có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tiết kiệm năng lượng.
Thế Vinh