Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng quan hệ đối tác tư nhân và Nhà nước (hợp tác công – tư) đang là xu hướng trên thế giới và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó.
Nhiều hoạt động hợp tác công – tư (PPP) đang được Bộ Công Thương triển khai cho các hiệp hội doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ cho hàng Việt.
Liên kết mô hình PPP
Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư và kết nối hàng Việt với các kênh phân phối” do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.HCM ngày 11/8, thông qua mô hình PPP, các DN sẽ dễ dàng tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.
Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với hàng Việt, Vụ Thị trường trong nước cho biết từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 148 dự án để liên kết mô hình PPP nhằm phát triển thị trường nội địa.
Đơn cử như hồi năm ngoái đã thiết lập 31 Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Con số này có thể tăng gấp đôi trong năm nay khi trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có thêm 30 điểm bán hàng Việt theo mô hình này trên toàn quốc.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết hàng hoá trong các điểm bán hàng phải đạt 100% là hàng hoá được sản xuất trong nước, có chất lượng với giá thành cạnh tranh. Đồng thời, các điểm này cần tiến tới là điểm phát luồng hàng hoá trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương.
![]() |
Mục tiêu của Bộ Công Thương là sẽ hình thành các kênh tiêu thụ cấp độ lớn cho hàng Việt ở vùng nông thôn
Riêng với đề án phát triển thương mại nông thôn hướng đến năm 2020, theo bà Nga, mục tiêu là sẽ hình thành các kênh tiêu thụ cấp độ lớn với sự tham gia của các DN nòng cốt (DN nhà nước) và các DN thuộc khu vực tư nhân, các hộ kinh doanh, hệ thống đại lý, chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh.
Ở góc độ công tác khuyến công, theo bà Đỗ Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), PPP không chỉ đơn giản là cơ chế cấp kinh phí của Nhà nước, mà là cơ chế để khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân ở nông thôn.
Bà Trâm cho rằng cần phải xác định ngân sách không phải là nguồn cung cấp tài chính cho phát triển công nghiệp nông thôn mà là coi trọng phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực của DN; đồng thời kêu gọi các DN chủ động nắm bắt cơ hội tham gia đầu tư phát triển sản xuất.
Cơ hội nào cho nữ doanh nhân?
Cho rằng các phụ nữ làm chủ DN cần có sự quan tâm hơn từ các chương trình hợp tác PPP, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Tp.HCM (HAWEE) - đề nghị cần có cơ chế làm việc hiệu quả giữa các hội, hiệp hội DN với các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để các đại diện thương vụ nắm bắt và cung cấp kịp thời những thông tin mà DN cần.
Theo bà Dung, trong ngân sách xúc tiến thương mại, cần phân bổ một tỷ lệ phù hợp dành riêng cho các DN do nữ làm chủ. Nhu cầu hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DN hiện nay rất cấp thiết. Chính phủ cần có sự tham vấn của các Hội, Hiệp hội về các chính sách ưu đãi cho các nữ chủ DN…
Cũng theo vị lãnh đạo của HAWEE, các tổ chức nhà nước và quốc tế cần phối hợp với Hội trong việc hỗ trợ tư vấn cho DN để xây dựng hồ sơ đáp ứng yêu cầu thủ tục của các chương trình vốn. Đây là khâu đặc biệt quan trọng để DN vừa và nhỏ có thể thực sự tiếp cận và sử dụng vốn hỗ trợ từ các chương trình này.
Luật sư Nguyễn Thanh Trà, chuyên gia PPP thuộc công ty luật Frontier Law & Advisory, nhìn nhận rằng các DN nội địa sở hữu bởi phụ nữ thường có xu hướng có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, ít được tiếp cận với nguồn nhân lực, vốn tài chính, vốn xã hội và thuộc các ngành hàng mang lại ít lợi nhuận (như dịch vụ, bán lẻ).
Thách thức thường gặp đối với các nữ chủ DN trong hợp tác PPP, theo luật sư Trà, chính là thiếu thông tin về các cơ hội đấu thầu, cơ quan nhà nước không thanh toán phí ngay trong khi thủ tục đấu thầu thường phức tạp và phiền toái…
Còn theo bà Đỗ Minh Trâm, hiện nay, các nội dung chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ mới dừng ở mức đưa ra quy định, chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể.
Nói như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đòi hỏi các chủ DN, nhất là các nữ doanh nhân, cần phải chủ động liên kết với nhau cùng vượt qua khó khăn đó. Và, PPP chính là động lực quan trọng để giúp các DN phát triển.
Thế Vinh