Là nông dân trồng xoài ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), ông Đào Thanh Hồng cho biết, vụ xoài năm nay "vui ít, buồn nhiều" khi giá bán phục vụ cho xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc thấp hơn mọi năm.
Áp lực dồn lên quả xoài
Đơn cử như trái xoài giống Đài Loan chủ yếu cung cấp cho thị trường XK sang Trung Quốc, dù đã vào cuối vụ, sản lượng ít, nhưng do các vựa trái cây hiện không đóng xoài XK nên vẫn khó để kéo giá lên. Theo ông Hồng, thương lái mua tại vườn chỉ vài ngàn đồng mỗi ký, còn xoài cát Hoà Lộc thì chỉ 10.000 đồng/kg.
Áp lực cạnh tranh đang gia tăng đối với ngành hàng xuất khẩu xoài. |
Còn tại “thủ phủ xoài” Đồng Tháp, ghi nhận trong tháng 5 cho thấy, dù cuối vụ nhưng giá xoài cát chu, xoài Đài Loan cũng xuống rất thấp, ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg, trong khi cách đây khoảng 5 tháng là 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Giá xoài ở Đồng Tháp giảm mạnh được cho là vì cung vượt cầu, khi đầu mối mua gom xoài xuất sang thị trường Trung Quốc đã ngừng mua hàng.
Trong khi đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa chính thức chấp nhận cho 37 công ty trồng xoài của Campuchia XK xoài tươi vào Trung Quốc với khoảng 500.000 tấn mỗi năm.
Trước bối cảnh giá xoài Việt thu mua tại vườn đang sụt giảm mạnh do hoạt động XK sang Trung Quốc bị chậm lại trong khi việc XK của xoài Campuchia đang có thêm lợi thế mới, nhiều người lo ngại sức ép cạnh tranh của xoài Việt sẽ ngày càng tăng lên từ một số đối thủ trong khu vực.
Thị trường Trung Quốc đang chiếm hơn 84% tổng kim ngạch XK xoài của Việt Nam. Cho nên, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường này, cộng thêm sự chen chân của các đối thủ trong khu vực sẽ là “phép thử” không nhỏ cho XK xoài trong thời gian tới.
Và không chỉ riêng với quả xoài, XK rau quả của Việt Nam trên thực tế sẽ còn đối mặt sức ép cạnh tranh gay gắt khi các nước lân cận không ngừng xúc tiến thương mại để đưa nhiều loại trái cây chủ lực vào thị trường lớn như Trung Quốc.
Mặc dù XK rau quả trong 4 tháng đầu năm nay đã trở lại với mức tăng trưởng dương, đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên thị trường XK rau quả trong thời điểm này được cho là vẫn khó lường. Đặc biệt là những rủi ro đình đốn XK do diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 vẫn rất lớn, cộng thêm áp lực cạnh tranh trên các thị trường XK cũng ngày càng gia tăng.
Chẳng hạn như với XK chuối, ghi nhận từ đầu năm đến nay ở thị trường Trung Quốc cho thấy, trong khi kim ngạch XK chuối của “đối thủ" truyền thống là Philippines vào thị trường này sụt giảm thì các doanh nghiệp (DN) XK chuối của Campuchia lại đang gia tăng thị phần.
Không thể chậm chân
Các DN XK chuối Campuchia được cho là "đối thủ" đáng gờm khi tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, chi phí vận chuyển, trong khi XK chuối từ Philippines đang có sự chậm trễ trong việc vận chuyển.
Ngoài vấn đề về cạnh tranh, xét về mức độ tiêu thụ rau quả Việt trên thị trường XK, trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả nhận định, dịch Covid-19 hoành hành nên tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng nghĩa giảm sút về thu nhập, dẫn đến giảm tiêu thụ đối với những mặt hàng rau quả có mức giá đắt.
Điều này khiến cho việc XK rau quả Việt vào thời điểm hiện nay sẽ không thể bằng với những năm trước khi có dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, so với năm ngoái thì tình hình XK rau quả vẫn có cải thiện hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, dịch bệnh tiếp tục hoành hành đã cản trở hoạt động xúc tiến thương mại của các công ty XK rau quả vào những thị trường chủ lực ngoài Trung Quốc như EU, Mỹ, Trung Đông, Australia... Do đó, chiến lược phát triển thị trường của DN bị ảnh hưởng phần nào, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại trong lúc này.
Mặt khác, các sản phẩm rau quả chủ lực của Việt Nam khi xuất sang các thị trường chủ lực với số lượng lớn nhưng thương hiệu vẫn còn khá mờ nhạt cũng là một điểm yếu trong vấn đề cạnh tranh. Vì thế, các DN XK cần có chiến lược đúng, không thể chậm chân về phát triển thương hiệu nếu không muốn các "đối thủ" qua mặt.
Cần thấy rằng, trong việc linh động XK và tăng sức cạnh tranh của DN giữa thời Covid đối với ngành hàng rau quả, áp dụng các công nghệ chế biến vẫn được ghi nhận là hướng đi đúng cho DN.
Như trường hợp Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long ở tỉnh Bến Tre. Khi nhiều mặt hàng gần như bị “đóng băng” thị trường XK, Công ty tập trung hoàn thiện dây chuyền sản xuất ống hút dừa vào đầu tháng 4/2021 để đẩy mạnh XK sang Mỹ.
Hiện tại, DN này đang đáp ứng đơn hàng ống hút dừa (được tạo thành từ công nghệ lên men sinh học, với thành phần 100% nguyên liệu từ nước dừa) cho thị trường Mỹ với bình quân 100.000 ống/tháng.
Có thể nói, việc áp dụng công nghệ chế biến và chiến lược đúng về phát triển thị trường, thương hiệu sẽ giúp rau quả Việt tăng lợi thế cạnh tranh, bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19 cũng như “phép thử” từ những "đối thủ" tiềm tàng. Đó là điều mà các DN XK rau quả cần lưu tâm trong lúc này.
Thế Vinh