Tại tọa đàm EVFTA diễn ra sáng 1/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ có lẽ cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và EU là những người vui mừng hơn hết thảy trước sự kiện hai Hiệp định EVFTA và IPA được chính thức ký kết.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (Ảnh: Internet) |
Từ phía cộng đồng DN Việt Nam, ông Lộc kỳ vọng rất nhiều vào những cơ hội chưa từng có từ hai Hiệp định kết nối Việt Nam với EU - đối tác thương mại chiếm xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ngoài khu vực châu Á tại Việt Nam.
Theo đó, EVFTA-IPA toàn diện và tiêu chuẩn cao với một đối tác phát triển như EU sẽ tạo ra một sức ép tốt để cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường, tôn trọng cạnh tranh và quyền tự do kinh doanh, bảo hộ hợp lý tài sản của các nhà đầu tư.
Đây là điều mà hơn 700.000 DN Việt Nam, những người bước ra từ nền kinh tế kế hoạch hóa Nhà nước trước đây, và đang kinh doanh trong một giai đoạn chuyển đổi với không ít níu kéo của cơ chế cũ, luôn luôn mong muốn. Đây cũng là điều mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư EU khi muốn kinh doanh ở hay với Việt Nam.
Với phạm vi bao trùm cả các vấn đề phát triển, EVFTA-IPA còn được kỳ vọng sẽ là động lực để Việt Nam cải thiện các điều kiện về lao động, các vấn đề về môi trường và những khía cạnh liên quan khác. Trong giai đoạn đầu, thực hiện điều này sẽ khiến DN Việt Nam phải đối mặt với các thách thức tuân thủ nhưng trong lâu dài sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững, xanh sạch và nhân văn. Điều này cũng giúp các tổ chức xã hội và DN châu Âu kinh doanh với Việt Nam có thêm niềm tin khi làm ăn với đối tác Việt Nam, cũng thuyết phục được công dân và người tiêu dùng châu Âu về quyết định lựa chọn đối tác của mình.
Đặc biệt, EVFTA-IPA sẽ mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU. Những nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ… của Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế quan ưu đãi sẽ mang về thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam, những người chiếm trên 65% lực lượng lao động Việt Nam và đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 Euro/năm.
Các sản phẩm gia công như giày dép, dệt may của Việt Nam sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn, từ đó mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho khoảng 4,5 triệu người lao động Việt Nam, trong đó chủ yếu là lao động nữ và lao động chuyển dịch từ khu vực nông thôn.
Về phía EU, với tính chất bổ sung cho nhau về cơ cấu kinh tế với Việt Nam, hàng hóa từ Việt Nam không những không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa châu Âu mà còn mang đến cho người tiêu dùng châu Âu hàng hóa phong phú về lựa chọn và hợp lý về giá cả.
"EVFTA-IPA sớm có hiệu lực ngày nào thì các doanh nghiệp của chúng ta, hàng trăm triệu người lao động và người dân của chúng ta sẽ được hưởng lợi sớm ngày đó", ông Lộc khẳng định .
Vì vậy, Chủ tịch VCCI mong cộng đồng DN Việt Nam, các nhà đầu tư EU tại Việt Nam và cộng đồng DN EU tiếp tục cùng lên tiếng và hành động mạnh mẽ, để các Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và EU cũng như các nước thành viên EU sớm đưa EVFTA-IPA vào chương trình nghị sự và phê chuẩn hai Hiệp định này.
"Bằng hành động của chính mình, chúng ta có thể góp một động lực sớm hiện thực hóa các cơ hội đầu tư kinh doanh cùng nhau và không để lãng phí những lợi ích từ tự do hóa thương mại cho DN chúng ta, cho người lao động và tất cả các nền kinh tế tham gia hai Hiệp định này", ông Lộc nhấn mạnh.
Lê Thúy