Từ ngày 1/10, một số khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải sẽ giảm từ 20% - 50% so với mức thu trước đây, áp dụng cho đến hết năm 2022, theo Thông tư số 59/2022/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Lẽ ra nên giảm sớm hơn
Đáng chú ý, nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa được giảm mạnh nhất, lên đến 50% so với quy định trước đây. Đơn cử như giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa; giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Để gỡ khó cho kinh doanh vận tải, khâu chính sách cần kịp thời, đồng bộ hơn nữa, tránh những bất cập làm cản trở nỗ lực phục hồi của DN. |
Chính sách nêu trên được các doanh nghiệp (DN) hoan nghênh vì hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải do giá nhiên liệu tăng trong thời gian qua. Quy định này sẽ góp phần giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho DN.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lẽ ra chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí này nên thực hiện sớm hơn, hỗ trợ đúng thời điểm, nhất là trong giai đoạn giá xăng dầu “leo thang” căng thẳng. Còn việc giảm phí trong 3 tháng tới là khi mọi chuyện đã rồi, khi mà trước đó nhiều DN kêu than khẩn thiết nhất.
Điều này cũng cần liên hệ với giá cước vận tải neo giữ cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau 2 năm đại dịch vừa qua.
Thực tế, từ tháng 6/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các Cục Đường sắt, Hàng hải và Đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.
Như vậy có thể thấy, từ giai đoạn giá xăng dầu lập đỉnh hồi tháng 6 cho đến khi hạ nhiệt như hiện giờ đã là 3 tháng. Đến giữa tháng 9, Bộ Tài chính mới đưa ra dự thảo thông tư để lấy ý kiến, rồi cuối tháng 9 mới ban hành thông tư giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực kinh doanh vận tải và chỉ áp dụng trong 3 tháng cuối năm nay.
Nhân chuyện giảm phí này cũng nên nói thêm việc các DN vận tải hiện vẫn còn “lừng khừng” giảm giá cước dù cho giá xăng dầu hạ nhiệt. Điều đó được cho là phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là chi phí xăng dầu. Như chia sẻ của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn khoảng 150.000 đồng/xe cho các chi phí như kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới.
Theo giới chuyên gia, do chi phí thủ tục hành chính quá cao nên đương nhiên DN tính luôn vào giá thành. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho các DN vận tải giảm giá cước, ngoài việc giảm phí, lệ phí thì cần rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều kiện nào không cần thiết, không phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho DN.
Cần đồng bộ hơn nữa
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư số 59/2022/TT-BTC giúp giảm nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa, trong khi với các DN vận tải đường bộ vẫn đang mong tiếp tục giảm phí bảo trì đường bộ.
Như hồi tháng 6/2022, khi giá xăng ở mức 35.000 đồng/lít, các DN vận tải đều đang trong tình trạng kiệt quệ, khó khăn đủ đường. DN vận tải đường bộ hiện phải gánh rất nhiều loại chi phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ dù có hoạt động hay không cũng phải đóng.
Bởi lẽ, theo quy định, các xe ngừng hoạt động từ 3 - 6 tháng mới được làm đơn đăng ký miễn phí bảo trì đường bộ. Trong khi đó, thủ tục lại nhiêu khê và chỉ xét duyệt trên từng xe, nên muốn được giảm phí không hề dễ dàng.
Hồi tháng 7/2022 Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thêm phí sử dụng đường bộ cho DN vận tải thêm 3 tháng để hỗ trợ thêm một phần cho DN vận tải bớt khó khăn.
Ngoài ra, trong Thông tư số 59/2022/TT-BTC lần này, mảng vận tải thuỷ nội địa được giảm nhiều khoản phí, lệ phí, tuy nhiên điều làm cho DN còn trăn trở là được giảm khoản phí này nhưng lại “chịu trận” với khoản phí khác một cách bất cập.
Đơn cử như hồi tháng 8/2022, có 5 hiệp hội DN liên quan đến vận tải đường thủy nội địa gồm: Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã gửi văn bản tới UBND Tp.Hải Phòng đề nghị miễn thu phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến vận tải thủy.
Phía DN cho rằng phương tiện thủy khi lưu thông trên các tuyến luồng đã đóng phí, lệ phí theo quy định. Việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển của các phương tiện vận chuyển bằng đường thủy rất bất hợp lý. Vận tải thủy nội địa di chuyển dưới sông - là điều kiện tự nhiên thiên nhiên ưu đãi nên không sử dụng các hạ tầng ở khu vực cửa khẩu cảng biển.
Bởi lẽ, các DN khi đến cảng đã phải nộp phí cảng, phí vùng nước, các loại phí khi đi trên tuyến luồng sông. Về nguyên tắc, không sử dụng mà bắt DN nộp phí là vô lý.
Chính vì vậy, các hiệp hội khẳng định, việc nộp phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển ở Hải Phòng đã gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, gây ra tình trạng phí chồng phí. Đồng thời, điều này làm hạn chế năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao.
Tựu trung lại, chính sách giảm phí kinh doanh vận tải mà Bộ Tài chính mới ban hành là điều tốt, nhưng để gỡ khó cho hoạt động kinh doanh vận tải thì khâu chính sách thời gian tới rất cần kịp thời, đồng bộ hơn nữa, tránh những bất cập kéo dài làm cản trở nỗ lực phục hồi của các DN.
Thế Vinh