Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1%; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4%.
Vốn đầu tư công đang đi đúng hướng
Một số bộ, địa phương có số vốn lớn là Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện 2.972 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên so với kế hoạch năm thì mới đạt 7,2%, thấp hơn mức chung của cả nước. Hà Nội đã thực hiện 5.509 tỷ đồng, bằng 10,8% kế hoạch năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021; Quảng Ninh thực hiện 2.010 tỷ đồng, tăng 15,6%, đạt 11,9 kế hoạch năm; Thanh Hóa thực hiện 1.172 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch; Nghệ An 1.054 tỷ đồng; Hòa Bình, Quảng Bình, Thái Nguyên cũng có mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Các dự án giao thông trọng điểm tiếp tục được đẩy mạnh thi công, hoàn thành đúng tiến độ. |
Còn nhớ, ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2022 hôm 28/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm đúng tiến độ, vừa nâng cao chất lượng; phải rà soát từ khâu chuẩn bị đầu tư, chọn chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch,… đúng quy định và trên tinh thần công khai, minh bạch.
Nhìn lại năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân chỉ đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn mức 82,66% cùng kỳ của năm 2020), trong đó, vốn trong nước đạt 83,66%; vốn nước ngoài đạt 26,77%.
Tất nhiên, năm ngoái một phần giải ngân vốn đầu tư công chậm là do khách quan, giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá hay phân tán nguồn lực... khiến giải ngân vốn đầu tư công đối mặt với rất nhiều thách thức. Bởi lẽ, đầu tư công là hoạt động kinh tế phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công. Đối với những địa phương từng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vấn đề này thể hiện rõ nhất.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên thì cũng phải nói, vẫn còn những nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như là chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu…
Như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói, có 5 nhóm khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đó là khó khăn về hoàn thiện thủ tục đầu tư; mua, nhập khẩu và vận chuyển máy móc, thiết bị; thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia; ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng giá nguyên, vật liệu trong xây dựng.
Nhiều “cú hích” cho đầu tư công 2022
Trở lại với tình hình đầu tư công 2 tháng đầu năm có thể thấy, rõ ràng nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ ngay từ khi bước vào năm 2022. Đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội.
Năm nay, nhiều ý kiến cho rằng sẽ là năm có nhiều cú hích để đầu tư công tăng mạnh, ngoài việc nền kinh tế đang hồi phục trở lại sau giai đoạn dịch Covid-19, hàng loạt công trình lớn, nhỏ triển khai trở lại thì một bước tiến lớn của đầu tư công là giao kế hoạch năm 2022 đáp ứng được yêu cầu theo đúng luật là trước 30/11. Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương. Trước kia, nhắc đến đầu tư công, bao giờ cũng là giao chậm, giao nhiều lần. Thực tế bây giờ, giao một lần vào 30/11 là xong đã cho thấy sự đổi mới, sự quyết tâm của Chính phủ trong câu chuyện này của năm 2022.
Giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm đúng tiến độ. Phải nâng cao chất lượng; phải rà soát từ khâu chuẩn bị đầu tư, chọn chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch,… đúng quy định và trên tinh thần công khai, minh bạch.
Cũng phải nhắc lại, Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 347.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỉ đồng, trong đó tập trung vào phát triển 13 dự án giao thông quan trọng với nguồn chi dự kiến khoảng 103.164 tỉ đồng.
Đặc biệt, ngày1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về tiến độ thẩm định các dự án xây dựng đường giao thông trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt, xác định trọng tâm trọng điểm trong lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu "qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, qua núi khoét núi" để làm cao tốc và yêu cầu phải bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này, cùng với việc rà soát kỹ, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý cần rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn, áp dụng, nhân rộng các bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình tốt, cách làm hiệu quả; khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập tại một số dự án cao tốc, dự án đầu tư công đã triển khai như manh mún, dàn trải, kéo dài, tình trạng chia nhỏ gói thầu với quá nhiều nhà thầu, vấn đề mỏ vật liệu cho các dự án cao tốc…
Rõ ràng, sức nóng của câu chuyện đầu tư công cũng đã “phả mạnh” vào nền kinh tế khi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các dự án. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký ban hành Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, các địa phương cũng “xắn tay” để thực hiện đầu tư công ngay từ tháng đầu năm.
Cũng phải nhắc lại, trong thống kê của mình về tình hình đầu tư công 2 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhận định, tháng 2/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.
Như vậy, những tháng tới với đà này chắc chắn mức độ giải ngân sẽ còn cao hơn. Bởi lẽ, nền kinh tế năm 2022 mới đi được chặng đường 2 tháng, nhưng thống kê của đầu tư công đã cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Đây sẽ là “bước đà” quan trọng để câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022 sẽ theo đúng kế hoạch đề ra.
Trà My