Vào hạ tuần tháng 8/2023, một công ty fintech (công nghệ tài chính) của Việt Nam là MFast đã hoàn tất vòng gọi vốn Series A với khoản đầu tư 6 triệu USD. Khoản vốn mới được dẫn đầu bởi Wavemaker Partners cùng với sự tham gia của một số nhà đầu tư khác, gồm Finnoventure Fund 1, Headline Asia, Do Ventures, Jafco Asia, Ascend Vietnam Ventures.
Không ngừng thu hút vốn
Điểm hấp dẫn các nhà đầu tư của MFast là lấy công nghệ và cam kết số hóa làm nền tảng cốt lõi, nhờ đó đã mở rộng hoạt động tới 63 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 160.000 đại lý hoạt động thường xuyên với khách hàng. Hiện, công ty này đang đặt kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2024.
Nhiều công ty công nghệ trong nước tuy đi vào hoạt động không lâu nhưng phát triển thị trường rất nhanh và có sức hút vốn với các quỹ đầu tư. |
Cũng vào cuối tháng 8 vừa qua, trong kết quả bình chọn vào bảng xếp hạng 100 công ty nhỏ và công ty khởi nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương 2023 do Tạp chí Forbes công bố có 3 công ty công nghệ của Việt Nam là KiotViet.vn, Coolmate và Dat Bike.
Trong đó, KiotViet.vn là doanh nghiệp (DN) công nghệ duy nhất của Việt Nam vào top ở hạng mục Công nghệ tiêu dùng (Consumer Technology) của Forbes.
Điểm mạnh của công ty này hệ thống phần mềm quản lý bán hàng dành cho các DN nhỏ ở Việt Nam đã đạt được hơn 200.000 khách hàng vào cuối năm 2022. Cách đây 2 năm, KiotViet.vn đã nhận 45 triệu USD đầu tư vòng Serie B từ quỹ đầu tư Jungle Ventures và KKR.
Còn Coolmate là một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ. Theo dữ liệu từ Forbes, nhà đầu tư chính vào Coolmate gồm những cái tên như 500 Global, Access Ventures, Cyberagent Capital, Do Ventures, DSG Consumer Partners, GSR Ventures và Nexttech.
Và Dat Bike là một công ty công nghệ chuyên sản xuất các dòng xe máy điện với linh kiện sản xuất từ Việt Nam. Dat Bike đã gọi được tổng cộng 16,5 triệu USD vốn đầu tư.
Ngoài những DN nêu trên, nếu nhìn lại năm 2022 sẽ thấy có thêm một loạt công ty công nghệ và các startup công nghệ của Việt Nam đã nhận được vốn “khủng” từ các quỹ đầu tư bất chấp dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu đang chững lại.
Chẳng hạn như Sky Mavis (150 triệu USD), Con Con (90 triệu USD), OnPoint (50 triệu USD), Entobel (30 triệu USD), Finhay (25 triệu USD), Jio Health (20 triệu USD), Timo (20 triệu USD), POC Pharma (10,3 triệu USD) ), Mio (8 triệu USD) và OpenC Commerce Group (7 triệu USD)...
Trong nửa đầu năm 2023, Medigo - một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực healthtech (công nghệ y tế) tại Việt Nam đã huy động thành công 2 triệu USD (tương đương 50 tỷ đồng) từ quỹ đầu tư East Ventures.
“Mỏ vàng” được các nhà đầu tư chú ý
Còn trước đó, khá nhiều công ty công nghệ khác trong lĩnh vực healthtech tại Việt Nam đã huy động được từ vài triệu tới vài chục triệu USD, có thể kể tới như: Jio Health (30 triệu USD), Med247 (5 triệu USD), eDoctor (1 triệu USD)… Điều này cho thấy các công ty healthtech nội địa nói riêng và ngành healthtech tại Việt Nam nói chung đang trở thành một “mỏ vàng”, được nhiều nhà đầu tư chú ý tới.
Ts. Đặng Phạm Thiên Duy (Đại học RMIT) cho biết, Việt Nam là đất nước có dân số đông, với tỷ lệ người lớn tuổi được dự đoán sẽ chiếm tới 16,53% trước năm 2030. Các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến lối sống như béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, bệnh tâm lý, dần trở thành các xu hướng khó tránh khỏi. Ngoài ra, thế hệ Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 - 2012) rành sử dụng công nghệ, quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về sức khoẻ cá nhân, cũng dần chiếm lĩnh thị trường.
Vì thế, theo Ts. Duy, đó là bối cảnh sẽ giúp healthtech trở thành xu hướng tại Việt Nam. Song song với đó, chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749) của Chính phủ đang hướng đến quốc gia số vào năm 2030, tạo điều kiện để healthtech phát triển tại Việt Nam.
Xét về hoạt động của các công ty công nghệ ở Việt Nam hiện nay, theo nghiên cứu của KPMG & HSBC, Việt Nam hiện có thêm 1.400 DN liên quan đến công nghệ sau hai năm bùng phát dịch Covid-19.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến nay, Việt Nam có hơn 3.800 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Cần nhắc thêm, Việt Nam hiện được cho là điểm đến ưa thích của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó có khoảng 40 quỹ đầu tư trong nước. Và chính những công ty công nghệ nội địa với nền tảng công nghệ số đầy triển vọng của mình đã và đang hấp dẫn các quỹ đầu tư này.
Hồi tháng 7/2023, báo cáo của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, ngành công nghệ luôn nằm trong top các ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nhất là với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, trí thông minh nhân tạo, truyền thông, điện toán đám mây và nhiều lĩnh vực công nghệ khác, ngành công nghệ có tiềm năng phát triển vô tận. Hơn nữa, các DN cũng dần ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, kinh doanh cũng như tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
Dưới góc nhìn của một chủ DN công nghệ, ông Lê Yên Thanh - người sáng lập và điều hành Phenikaa MaaS cho biết, trước đây, chỉ cần các công ty công nghệ, startup chứng minh được năng lực công nghệ thì đã gọi vốn thành công. Còn hiện nay, các quỹ, nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, nên các công ty công nghệ cũng gặp nhiều thử thách hơn.
Tuy vậy, như ví von của một chuyên gia, công nghệ được xem như là “thượng phương bảo kiếm” rất quyền lực, ai có “thượng phương bảo kiếm” thì có những lợi thế đặc biệt. Và để tiếp tục tăng sức hấp dẫn trước các quỹ đầu tư trong và ngoài nước thì các công ty công nghệ của Việt Nam cần tận dụng các lợi thế của mình với nền tảng cốt lõi về công nghệ số nhằm có thêm nguồn vốn để bứt phá trong thời gian tới.
Thế Vinh