Công ty cổ phần VNG (VNG Corporation) là một doanh nghiệp (DN) nội địa ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame). Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế là một trong những kế hoạch mà VNG ấp ủ từ lâu. Năm 2017, VNG đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn Nasdaq tại Mỹ, nhưng hoạt động này sau đó không có tiến triển.
Nhìn từ chuyện IPO trên sàn chứng khoán Mỹ của VNG
Đến hạ tuần tháng 8/2023 này, VNG lại trở thành tâm điểm chú ý khi công bố Công ty VNG Limited (nắm 49% cổ phần trực tiếp trong VNG Corporation) đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), dự kiến IPO cổ phiếu tại sàn chứng khoán Nasdaq.
Ngành game Việt có thể xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu. |
Theo hồ sơ gửi SEC, cơ cấu cổ đông dự kiến sau IPO tại công ty kiểm soát VNG có sự xuất hiện một loạt tập đoàn lớn, trong đó có Tencent, Ant Group và GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.
VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam và đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường toàn cầu, đồng thời sở hữu Zalo - ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hằng tháng.
Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm Zing MP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn tại Việt Nam với hơn 28 triệu người dùng hoạt động hằng tháng) và ZaloPay (ví điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam).
Có thể thấy, việc đưa cổ phiếu lên sàn Nasdaq như dự định của VNG là điều tuyệt vời và là ước mơ của nhiều DN công nghệ trong ngành game ở Việt Nam hiện nay. Cần nhắc lại, hồi cuối năm trước, khi chia sẻ với hãng tin Bloomberg của Mỹ về kế hoạch lên sàn Nasdaq, ông Lê Hồng Minh, đồng sáng lập VNG, có nhấn mạnh là VNG muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, VNG phải "chơi trong cùng một sân chơi" và tiếp cận với những nhà đầu tư tốt nhất, cũng như khắt khe nhất trên thế giới.
Cũng theo ông Minh, VNGGames - mảng trò chơi của công ty là "chìa khóa" để VNG vươn ra quốc tế. Với người dùng ở hơn 130 quốc gia và dự kiến sẽ có 320 triệu khách hàng trên toàn cầu trong năm 2023, VNG hiện có 7 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Bangkok.
Còn theo nhận định của Bloomberg, việc IPO thành công có thể tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực của VNG. Với mức định giá 2,2 - 2,5 tỷ USD khoảng một năm trước, VNG cũng đã thu hút được nhà đầu tư lớn như Tencent, và các quỹ đầu tư nhà nước Singapore như GIC Pte, Temasek Holdings Pte.
Hãng tin Bloomberg cũng đưa ra đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game. Xét về triển vọng của ngành game Việt trên thị trường toàn cầu, nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT gồm Tiến sĩ Renusha Athugala, Thạc sĩ Hoàng Bảo Long cùng Thạc sĩ Christian Berg cho rằng ngành game Việt Nam có thể xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu.
Động lực “mở cõi” với hàng tỷ đô chờ đón
Song, để làm được điều này, theo nhóm nghiên cứu của RMIT, các DN ở Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào đào tạo bài bản những nhà thiết kế game với tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, cũng như đầy đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới và xu hướng thị trường toàn cầu.
Giới chuyên gia lưu ý ngành game là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên nền tảng công nghệ số nên cần phải xem là ngành kinh tế số và thay đổi định kiến xã hội để từ đó có thể đưa các DN trong lĩnh vực này vươn xa trên toàn cầu.
Và từ câu chuyện VNG dự kiến lên sàn Nasdaq cũng chính là động lực cho các DN nội địa đang đầu tư phát triển công nghệ số có thể vươn xa trên thị trường toàn cầu với nhiều cách thức khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là lên sàn chứng khoán của Mỹ.
Cách đây vài tháng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có cho biết sẽ triển khai chiến dịch tổng thể để hỗ trợ DN công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới.
Như chia sẻ của ông Hùng, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, DN công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội “trăm năm có một” là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi “mở cõi”.
“Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với DN Việt”, Bộ trưởng nói.
Theo giới chuyên gia, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ước chỉ khoảng 2 tỷ USD nhưng toàn thế giới là hơn 1.800 tỷ USD. Đây là "khoảng không" khổng lồ để các DN công nghệ số ở Việt Nam khai thác khi vươn ra “mở cõi” toàn cầu. Bởi lẽ, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội, việc DN Việt bước ra phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến sẽ không có giới hạn.
Và không chỉ với các DN công nghệ số, để các DN Việt khác hiện thực hóa tham vọng vươn ra toàn cầu thì họ cũng nên có chiến lược số một cách bài bản. Theo nhóm chuyên gia của RMIT, trong khi Việt Nam tiếp tục phát triển về mặt công nghệ, các công ty trong nước dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Nhất là khi chiến lược số có thể giúp cho các công ty của Việt Nam tăng cường hiện diện trực tuyến trên toàn cầu thông qua việc sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số khác. Đặc biệt là chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu.
Với công cụ và hệ thống phù hợp của chiến lược số, các DN Việt có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm, về khách hàng trên toàn cầu của mình. Sau đó, DN có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ, cũng như giúp các hoạt động marketing mục tiêu hiệu quả hơn trên thị trường toàn cầu.
Thế Vinh