Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, kể lại khi đọc những báo cáo gần đây phục vụ cho cuộc họp ban chấp hành của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2024 thì thấy một đề tài từ Ban Pháp chế của VCCI đưa ra là làm sao giảm bớt những thủ tục, điều khoản trong các luật mà lúc áp dụng lại gây quá nhiều bất lợi cho DN.
“Chưa giúp cũng đừng làm khó”
Theo bà Hạnh, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là phải rà soát, cắt giảm những thủ tục, điều khoản gây khó cho DN thì người ta thấy rằng ở một số bộ lại đưa ra những điều khoản khác, cộng lại cũng giống như những điều khoản cần thiết phải giảm.
Khâu hoạch định chính sách thuế cần xem xét, điều chỉnh chỉnh lại để tránh có những điều khoản mới gây bất lợi cho sức cạnh tranh của DN Việt. |
“Những điều khoản mới này xuất hiện với những hình thức khác. Chưa kể, có DN còn nói với tôi theo kiểu “xụi lơ”, tức là hy vọng vào sự hỗ trợ thì không dám hy vọng nhiều, nhưng làm bớt làm khó, làm sao bớt thanh tra, kiểm tra, làm sao bớt yêu cầu những điều kiện mà DN nhỏ hiện nay đã quá khó rồi. Tức là chưa giúp thì cũng đừng làm khó nữa”, bà Hạnh nói.
Vị Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao bày tỏ băn khoăn nhiều khi muốn làm điều tốt cho phía DN mà cũng…“hồi hộp”. Chẳng hạn, để xác lập DN đạt danh hiệu hàng Việt chất lượng cao thì phía Hội có gửi thư xuống địa phương để hỏi DN đạt danh hiệu này liệu họ có tuân thủ tốt các quy định về pháp lý trong kinh doanh hay không và xin cơ quan quản lý ở địa phương cung cấp thông tin cho Hội.
Thế nhưng, sau thư gửi như trên, phía DN đã phải...“kêu trời” vì họ đang sản xuất kinh doanh một cách bình thường bỗng dưng bị cơ quan quản lý ở địa phương thanh tra, kiểm tra. Không những vậy, phía địa phương còn đưa ra giấy của Hội về việc yêu cầu kiểm tra, cung cấp thông tin về DN. Luận điểm của địa phương là không biết DN có tuân thủ pháp lý hay không, nhưng trước tiên là phải kiểm tra.
Trước sự việc như vậy, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã phải gửi một thư khác đến địa phương để yêu cầu “làm ơn” không có kiểm tra hay thanh tra gì.
Nhân chia sẻ của bà Hạnh, cũng nên nêu thêm bức xúc của DN đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Về hai bản dự thảo này, vào trung tuần tháng 3/2024, trong văn bản góp ý được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) gửi đến các bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), có đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, đề xuất giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, ở dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của dự thảo, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.
Vasep cho rằng, quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
“Không những vậy, đối với các DN chế xuất là DN không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa DN chế xuất và DN sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là DN sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ”, phía Vasep chỉ rõ.
Không để doanh nghiệp phải khổ thêm
Như đối với các DN chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ phải tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều. Kết quả dẫn đến DN chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới do chính sách thuế bất lợi hơn các quốc gia khác.
Hoặc như gần đây các DN phản ánh về sự bất cập trong của quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Theo VCCI, cơ quan thuế coi giao dịch giữa một số DN với ngân hàng là giao dịch liên kết, từ đó loại trừ chi phí lãi vay vượt mức trần cho phép theo Điều 5.2.d và Điều 16.3.a của Nghị định 132.
Trong khi đó, hồi năm 2022 và 2023, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều DN vượt mức giới hạn cho phép. Trong hoàn cảnh đó, hai quy định trên tại Nghị định 132 khiến các DN chịu khó khăn kép, vừa phải trả lãi nhiều hơn cho ngân hàng, nhưng không được khấu trừ thuế cho phần chi phí này.
Vấn đề này tác động mạnh đến các DN sử dụng nhiều vốn trong các lĩnh vực như hạ tầng, sản xuất, chế biến, chế tạo…Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy vấn đề này và có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 132 theo hướng loại trừ quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Điều 5.2.d của Nghị định.
Tuy nhiên, quá trình sửa đổi Nghị định có thể sẽ kéo dài và không thể sớm có hiệu lực. Trong khi đó, trong giai đoạn hiện nay, các DN đang bị thanh tra, kiểm tra thuế cho các năm tài chính 2022 và 2023. Nếu không có biện pháp xử lý ngay có thể gây tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.
Ngoài ra, theo Ts. Trần Viết Long (trường Đại học Luật - Đại học Huế), Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đặt ra thách thức không nhỏ đối với các DN trong vấn đề tuân thủ, đặc biệt là đối với thời hạn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nội dung các hồ sơ phải cung cấp.
Một trong những nút thắt đang gây khó khăn cho DN là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a khoản 3 Điều 16). Ts. Long cho rằng, quy định này không chỉ ngăn các DN tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn làm giảm động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của DN.
Cho nên, điều mong mỏi là cần sớm sửa đổi những bất cập trong Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của DN nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Nhất là nên tránh tình trạng cắt giảm những quy định cũ vốn đang bất cập (như quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30%) lại nảy sinh ra quy định mới có tính bất lợi hơn cho DN. Nói như bà Vũ Kim Hạnh, các DN đã khổ lắm rồi, đừng để DN phải khổ thêm vì những điều khoản mới gây khó cho họ, như vậy sẽ khó nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Thế Vinh