Thông tin mới đưa ra từ Công ty Thaco Industries (chuyên về lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ) thuộc Thaco Group cho biết, dự kiến doanh thu cho cả năm nay có thể sẽ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Những tín hiệu tích cực
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu (XK) các sản phẩm linh kiện phụ tùng của Thaco Industries đã đạt 17,2 triệu USD (tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021). Nhiều sản phẩm đã được XK như: Nhíp, kính, cản xe, két dàn nóng, khung xương ghế, cốp xe du lịch, các loại linh kiện nội - ngoại thất và phụ kiện ô tô sang Mỹ, Ý, Nga, Úc, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia…
Những tín hiệu tích cực, tạo giá trị gia tăng từ phía các nhà sản xuất nội địa tiếp tục cho thấy xu hướng phục hồi nhanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam. |
Doanh nghiệp (DN) đã trở thành đối tác chiến lược của Kia, Mazda, Peugeot... Đây là kết quả của việc gia tăng đầu tư công nghệ lõi, phát triển đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động R&D (nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm) nhằm đáp ứng yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Ở một diễn biến khác, trong đầu tháng 9/2022, PV GAS Trading – Chi nhánh của Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) đã thực hiện thành công việc kết nối ống từ tàu chuyên chở LPG lạnh BU SIDRA vào hệ thống nhập nguyên liệu Propane (là đồng sản phẩm của quá trình lọc dầu thô và xử lý khí tự nhiên) của Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam, Công ty TNHH Hoá Dầu Long Sơn (LSP) để bắt đầu làm hàng.
Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, hiện thực hoá ý tưởng mở rộng thị trường cung cấp khí từ nhiên liệu sang sử dụng khí làm nguyên liệu, song song triển khai chế biến sâu, nâng cao giá trị của nguồn nguyên liệu khí, từng bước thực hiện chiến lược phát triển thị trường khí của PV GAS.
Nêu ra hoạt động khả quan của 2 DN nêu trên để thấy đó là những tín hiệu tích cực, tạo giá trị gia tăng, tiếp tục có xu hướng phục hồi nhanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như nhận định mới đây từ Bộ Công Thương.
Đơn cử như ở lĩnh vực công nghiệp điện tử, vi mạch (hiện chiếm 1/3 tổng kim ngạch XK của Việt Nam), số liệu cho thấy trong 8 tháng 2022 mảng điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch XK lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá trị XK các sản phẩm máy móc và điện tử vẫn đang duy trì đà tăng. Việc Samsung ra mắt sản phẩm mới trong tháng 8/2022 cũng giúp cho nhóm sản phẩm này có diễn biến tích cực.
Nhận xét về sản xuất công nghiệp trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 vừa mới công bố, phía BVSC cho biết tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, sản xuất trong hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng tích cực. Theo đó, động lực chính của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo cũng ghi nhận mức tăng 10,39% từ đầu năm đến nay.
Hạn chế tăng giá đầu ra, thúc đẩy thêm nhu cầu
BVSC đánh giá trong tháng 9 này, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này có thể sẽ chững lại trong quý cuối cùng của năm nay do lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Riêng về hoạt động XK, phía BVSC đánh giá triển vọng XK của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác XK chính như Mỹ và EU đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác XK lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng XK của Việt Nam.
Tác động của lạm phát cũng thấy rõ ở “thủ phủ” công nghiệp Đồng Nai, chỉ số tồn kho hàng hóa của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8/2022 tăng gần 8% so với tháng trước đó. Trong đó, có sản xuất chế biến thực phẩm tăng gần 56%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng gần 19%; sản xuất phương tiện vận tải tăng hơn 30%.
Nguyên nhân là do từ tháng 7/2022, xuất hiện một số khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến nên làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, số lượng hợp đồng XK của DN giảm, thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Trong khi đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 52.7 điểm trong tháng 8/2022, tăng so với 51.2 điểm của tháng 7 và báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ của “sức khỏe” lĩnh vực sản xuất vào thời điểm giữa quý 3 của năm nay.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, điểm ấn tượng nhất trong tháng 8/2022 là tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh, và chi phí chỉ tăng nhẹ trong kỳ khảo sát này. Điều này đã giúp các công ty có thể hạn chế mức tăng giá đầu ra, từ đó thúc đẩy thêm nhu cầu.
Trong thời gian tới, dự báo có những thuận lợi đan xen khó khăn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam, giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất trong nước cần nỗ lực giảm chi phí để áp dụng mức giá bán cạnh tranh, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả nhất trong khả năng có thể.
Thế Vinh