Là người vốn có thói quen đi chợ truyền thống hơn là vào siêu thị, anh Trần Văn Châu (trú phường 13, quận 6, Tp.HCM) cho biết, khi Tp.HCM đẩy mạnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đợt 4, dẫn đến chợ gần nhà tạm ngưng hoạt động, thì anh đi chợ hàng ngày bằng… Smartphone.
Mua bán qua… Zalo
Theo anh Châu, một tiểu thương quen biết có đưa cho anh bảng báo giá (có dao động hàng ngày) các món hàng tươi mỗi ngày và căn dặn anh cứ gọi điện thoại hoặc qua Zalo để đặt hàng (chốt đơn hàng trước 22h mỗi ngày). Sau đó, các món hàng sẽ được tiểu thương cho người giao đến tận nhà, miễn cả phí giao hàng.
Hàng loạt chợ truyền thống ở Tp.HCM đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 đợt 4 khiến cho nhiều tiểu thương gặp khó khăn. |
“Việc đi chợ bằng... Zalo ban đầu chưa thật thoải mái vì không được trực tiếp lựa chọn hàng hoá, nhưng dần dần tôi lại thấy thuận lợi vì đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ các tiểu thương cần có cách bán hàng linh động như vậy thì sẽ bớt khó khăn trong mùa dịch”, anh Châu chia sẻ.
Ghi nhận ở Tp.HCM tính đến ngày 30/6 cho thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh, buộc phải giãn cách xã hội nên đã có đến 70 chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó phải kể đến việc tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh) và chợ đầu mối Hóc Môn, khiến cho việc tiêu thụ hàng tươi sống ở Tp.HCM cực kỳ khó khăn.
Như vậy là thành phố chỉ còn lại 2/3 số chợ truyền thống được hoạt động vào lúc này, trong bối cảnh mà sức mua giảm 30 - 60%. Tuy nhiên, các chợ này vẫn chực chờ có thể đóng cửa bất cứ lúc nào nếu tình hình dịch bệnh thêm phức tạp.
“Cơn bĩ cực” của các chợ truyền thống tại Tp.HCM cũng cần được tiểu thương ở các chợ truyền thống tại các địa phương khác trong cả nước dè chừng khi mà dịch bệnh còn diễn biến khó lường.
Theo ước tính hiện cả nước có hơn 9.000 chợ truyền thống. Trong đó chỉ có từ 15% - 20% chợ loại I và loại II, còn lại là chợ loại III và nhỏ lẻ. Điều đáng lo ngại là ngoài rủi ro dịch bệnh thì lợi thế cạnh tranh của chợ truyền thống đang giảm dần qua từng năm và ở tất cả các chỉ số như: Số người mua hàng, tần suất mua hàng, giá trị giỏ hàng, cũng như chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với VnBusiness, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển bền vững (SLDT), cho biết qua làm việc, tiếp xúc nhiều và tham gia đào tạo để nâng chất lượng hoạt động của bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống thì thấy rằng, họ đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 từ năm 2020 cho đến nay.
Không thể "ù lì" với công nghệ
Theo bà Nương, các tiểu thương ở chợ truyền thống tuy không phải là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nhưng họ bị ảnh hưởng từ các đợt giãn cách xã hội, dẫn đến nguồn thu mua và buôn bán cũng có sự thay đổi. Không những vậy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán hàng trực tuyến đang gia tăng mạnh về số lượng cũng là thách thức lớn đối với họ.
“Cho nên, hơn bao giờ hết, các tiểu thương ở chợ truyền thống cần phải thay đổi nếu muốn tồn tại. Tự bản thân họ phải nhận thức được rằng mình đang nằm ở vị trí nào để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn”, bà Nương nhấn mạnh.
Vị tổng giám đốc của SDLT có lời khuyên đến các tiểu thương, cần phải thay đổi nhận thức về chất lượng hàng hoá và công nghệ. Chính các tiểu thương cũng còn nhiều hạn chế trong phân biệt chất lượng nguồn hàng đầu vào.
Còn về mặt công nghệ, theo bà Nương thì thời gian qua có một số bộ phận tiểu thương đã có sự thay đổi khi biết sử dụng điện thoại smartphone để phục vụ cho việc buôn bán, kết hợp các đơn vị vận chuyển. Thế nhưng, vẫn còn đó một bộ phận lớn tiểu thương còn “ù lì”, không tiếp cận với công nghệ, dẫn đến vô tình mất dần thị trường, doanh số sụt giảm.
Thực ra, việc tiếp cận công nghệ đối với các tiểu thương không đến nỗi quá khó. Như tại Tp.HCM, bản thân nhiều chủ sạp ở các chợ truyền thống thông qua việc dùng smartphon nên đã biết sử dụng Zalo, facebook, viber... để kết nối với khách hàng.
Không những vậy, điển hình là các tiểu thương tại chợ Bình Tây (quận 6, Tp.HCM) đã nhận thấy xu hướng nhiều khách hàng hạn chế đến chợ vì sợ lây lan dịch bệnh, nên họ chuyển qua chọn mua hàng qua điện thoại với yêu cầu giao hàng tận nhà. Nên đa phần các tiểu thương đều đáp ứng được yêu cầu này, cũng như tự tập mày mò thêm cách chuyển và nhận tiền bằng chuyển khoản.
Để cho các tiểu thương ở chợ truyền thống thích ứng tốt hơn với công nghệ áp dụng trong bán lẻ sau những tác động từ dịch Covid-19, các chuyên gia thị trường cho rằng họ cần phải được hỗ trợ mạnh hơn nữa về mặt công nghệ chuyển đổi số.
Nhất là các tiểu thương cần được hỗ trợ về phần mềm quản lý cửa hàng (doanh thu, tồn kho, hàng hoá, lợi nhuận…). Bên cạnh đó họ cần trang bị thêm công nghệ phần mềm kết nối cửa hàng và khách hàng (người mua hàng, nhà cung cấp) và phần mềm kết nối cửa hàng và ban quản lý chợ để chia sẻ các dịch vụ chung.
Hơn nữa, dịch Covid-19 đã và đang gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động của các chợ truyền thống nên việc chuyển đổi hình thức tổ chức chợ sang trực tuyến (online) cũng cần được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong lúc này nhằm thích ứng tốt hơn với đại dịch.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |