Mới đây, trong hạ tuần tháng 2/2024, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã gửi công văn đến các địa phương trong cả nước để triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024.
Bất cập thủ tục làm tăng chi phí
Trong công văn này có cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Long An và Tiền Giang với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 6.663 con. Ngoài ra, còn 69 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 18 tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy là 2.519 con. Có 7 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Tiền Giang; 3 ổ dịch Lở mồm long móng tại 2 tỉnh Cao Bằng và Hòa Bình.
Việc đảm bảo cho “sức khỏe” của ngành chăn nuôi Việt không lạm dụng thuốc kháng sinh là rất quan trọng. |
Từ tình hình nêu trên có thể thấy để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan thì việc sử dụng thuốc thú y sao cho hợp lý trong ngành chăn nuôi là điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nóng bỏng như vậy thì các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuốc thú y lại than phiền là họ đang đối mặt với việc “cõng” thêm thủ tục hợp quy đối với thuốc thú y.
Cụ thể là mới đây, trong công văn của Hiệp hội Sản xuất – Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam (VPPA) gửi đến Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh về việc các DN gặp vướng mắc nghiêm trọng do quy định về thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.
Bởi lẽ, theo Khoản 9 Điều 4 và Khoản 1 Điều 48 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các DN sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phải thực hiện thêm thủ tục công bố hợp quy. Và thời gian để thực hiện việc này là từ tháng 4/2024 sau khi Bộ NN&PTNT không tiếp tục trì hoãn (trong 5 năm) đối với Thông tư quy định phương thức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y và Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y.
Lý lẽ mà VPPA đưa ra là thuốc thú y đã được quản lý theo tiêu chuẩn quy chuẩn của Luật Thú y và xác nhận bằng thủ tục đăng ký lưu hành. Trong hồ sơ đăng ký lưu hành cũng bao gồm các giấy tờ, tài liệu hồ sơ công bố hợp quy. Cho nên, việc thực hiện thủ tục công bố hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y là không cần thiết, gây trùng lặp, chồng chéo về mặt quản lý, lãng phí về mặt thời gian, chi phí cho cả bộ máy hành chính của cơ quan nhà nước và các DN.
Thực tiễn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, một số quy định liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong luật không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, không chỉ gây khó khăn cho DN kinh doanh thuốc thú ý trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và quyền lợi người tiêu dùng.
Câu chuyện dài đảm bảo “sức khỏe” ngành chăn nuôi
Trong một góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi tháng 11/2023 đối với Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. VCCI có lưu ý ở Điều 23 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện”, thế nhưng hiện nay, có khá nhiều loại hàng hoá thuộc diện “bắt buộc” phải có tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới được lưu thông. Đơn cử như thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản…
Nhiều DN phản ánh tình trạng họ bị xử phạt do không biết rõ hàng hoá của mình thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm vào đó, quy định này khiến nhiều DN thuê dịch vụ “làm tiêu chuẩn cơ sở” một cách đối phó. Các tiêu chuẩn này sau đó không được cung cấp cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng không có thông tin để lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn.
Theo VCCI, đối với các DN thực sự muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thì họ sẽ tự nguyện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở với các nội dung yêu cầu cao và quảng bá tiêu chuẩn đó đến với khách hàng để khách hàng ưu tiên lựa chọn. Còn các DN thực hiện đối phó thì việc bắt buộc có tiêu chuẩn không mang lại ý nghĩa gì.
Nhân vướng mắc ở khâu thủ tục của DN kinh doanh thú y, nên tham khảo thêm góc nhìn trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về ngành chăn nuôi ở Việt Nam. Theo đó, hàng năm ở Việt Nam, có khoảng 2.751 tấn thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi, và lượng kháng sinh cao nhất được tìm thấy ở lợn và gia cầm. Ngoài ra, một số khảo sát cho thấy việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ ở Việt Nam.
Theo EuroCham, các quy định được ban hành gần đây về hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về các nỗ lực này.
“Chính vì vậy, cần đảm bảo tuân thủ và giám sát tốt hơn các quy định về sử dụng các sản phẩm có chứa kháng sinh thông qua việc ghi nhãn và đánh giá tác động của việc sử dụng thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh”, trong Sách Trắng 2024 có nêu rõ.
Bên cạnh đó, khi lộ trình này đạt đến giai đoạn cuối vào năm 2026, các hạn chế về việc sử dụng kháng sinh ở Việt Nam sẽ giống như các hạn chế ở các nước EU. “Chúng tôi ủng hộ việc tuân thủ tối đa các quy định này, và đề nghị các quy định này cần được xem xét và cải thiện định kỳ”, phía EuroCham bày tỏ.
Và EuroCham có khuyến nghị là “Chính phủ nên đối thoại với ngành sản xuất động vật làm thực phẩm, khuyến khích hài hòa hóa các quy định về thuốc kháng sinh và giám sát các tác động tiềm ẩn đối với tình hình bệnh tật”.
Nói chung, trong vấn đề DN kinh doanh thuốc thú y vướng thủ tục hợp quy sẽ thấy còn là một câu chuyện dài có liên quan đến việc đảm bảo cho “sức khỏe” của ngành chăn nuôi Việt không lạm dụng thuốc kháng sinh, cũng như việc quản lý thuốc thú y vốn còn nhiều bất cập. Điều này rất cần các nhà hoạch định chính sách tìm ra lời giải cho hợp lý trong thời gian tới.
Thế Vinh