Trong cuộc họp khẩn ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng nguồn cung xăng dầu vẫn bảo đảm phục vụ thị trường nước. Cho nên, việc xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội cho là thiếu hụt nguồn cung là điều không bình thường, cần kiểm tra làm rõ và xử lý theo quy định.
Lỗ lãi là chuyện thường tình
Xét về nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước hiện vào khoảng 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng. Thông tin về nguồn cung một cách cụ thể hơn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75 - 80% nhu cầu thị trường, còn lại là nhập khẩu.
Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu, thay vì than vãn thì điều nên làm là duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. |
Về nhập khẩu, ước nhập khẩu xăng dầu trong tháng 8/2022 đạt khoảng 520.000 m3, dự kiến các tháng cuối năm mỗi tháng doanh nghiệp (DN) nhập khẩu khoảng 500.000 m3/tháng. Theo ông Đông, với nguồn cung xăng dầu như trên, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, liên quan đến việc xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội cho là thiếu hụt nguồn cung như lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, qua cập nhật của VnBusiness trên trang facebook nhóm “Diễn đàn Xăng dầu” - nhóm công khai với 28,9 nghìn thành viên (được cho quy tụ những người đang kinh doanh các cửa hàng bán lẻ xăng dầu) thì thấy nổi lên chủ đề thảo luận chính trong nhiều ngày qua là kinh doanh lỗ lãi, chiết khấu thấp và nguồn hàng khan hiếm.
Chẳng hạn như các ý kiến về việc chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm, không mua được hàng, các cửa hàng bán lẻ sẽ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi Sở Công thương…
Ngoài ra, như chia sẻ của một thành viên trên trang facebook này là “Gia Cường” thì “DN bán lẻ không muốn tạo ra hiệu ứng xấu, tạo ra bất ổn. DN bán lẻ xăng dầu kinh doanh có điều kiện chịu sự quản lý của Nhà nước. Nên sẽ không có chuyện DN hù dọa hay đòi đóng cửa để tạo áp lực cho cấp quản lý. Chủ DN họ đủ tỉnh táo để biết mình đang làm gì với ai”.
Cũng theo thành viên “Gia Cường”, các DN chỉ muốn truyền thông vào cuộc phản ánh tình hình khó khăn kéo dài và Bộ Công Thương có chính sách mới kịp thời hỗ trợ chuỗi cung ứng, cụ thể ở đây là các DN bán lẻ.
Trái lại, sau khi một vài thông tin chia sẻ từ nhóm “Diễn đàn Xăng dầu” được truyền thông phản ánh lại thì nhận được không ít ý kiến cho rằng, khi kinh doanh thì lỗ hay lãi là chuyện bình thường.
Không thể thụ động trông chờ chiết khấu
Song song đó, có những ý kiến cho rằng cả chục năm nay mới thấy DN bán lẻ xăng dầu than thở, chứng tỏ thời gian trước đó kinh doanh thuận lợi và có lời. Lời cả chục năm không sao, mới khó khăn vài tháng đã không chịu nổi, liệu có ai tin không? Dám đầu tư kinh doanh thì phải dám chống chọi với khó khăn và lỗ vốn. Vì vậy, những bất ổn trong kinh doanh bán lẻ xăng giờ đã lộ rõ, nếu không có cuộc “đại phẫu”, mở đợt tổng thanh tra ngành xăng dầu sẽ làm tình hình thêm trầm trọng.
Có thể nói, với một loạt những ý kiến như vậy cũng là điều để các cơ quan quản lý trong ngành công thương cần lưu tâm. Nhất là khâu chính sách, cơ chế kinh doanh xăng dầu nên có những nắn chỉnh phù hợp nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu được lành mạnh hơn.
Chẳng hạn, về cơ chế kinh doanh xăng dầu, cần nhắc lại cách đây 2 tháng, khi gặp mặt các thương nhân phân phối khu vực phía Bắc, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng, trước đây gần như không có khái niệm chiết khấu bằng 0, nhưng nay nhiều thương nhân phân phối phải nhập hàng với mức chiết khấu này trong thời gian dài, dẫn đến càng bán càng lỗ.
Ngoài ra, theo ông Bảo, khác với thời điểm giá dầu lập đỉnh thời điểm năm 2018 với biên độ vừa phải, năm 2022 giá dầu liên tục theo thang và biến động theo ngày với biên độ rất lớn, từ 5-10 USD/thùng, khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều rủi ro về giá.
Cho nên, vị chủ tịch Vinpa nhấn mạnh một trong những vấn đề bất cập nhất về cơ chế là chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chi phí hiện nay do Liên Bộ quy định trong giá cơ sở thấp hơn nhiều so với chi phí mà DN nhập khẩu xăng dầu phải bỏ ra và đã nhiều năm không thay đổi.
Vì vậy, ông Bảo cũng đặt ra vấn đề là Nhà nước cần xây dựng thêm chi phí tối thiểu dành cho các thương nhân phân phối để họ có thể tồn tại trên thị trường chứ không chỉ thụ động trông chờ vào chiết khấu.
Tuy vậy, đó chỉ là ý kiến từ phía hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho các DN bán lẻ xăng dầu. Còn hiện tại, nhìn vào văn bản mới nhất mà Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ thấy điều cốt lõi vẫn là cần bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm.
Về phía các thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu, thay vì than thở khó khăn trong lúc này thì điều mà họ nên làm là duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cũng như chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Thế Vinh