Không còn mạnh ai nấy làm, nhiều "đại gia" trong ngành nông nghiệp đã bắt tay nhau, được kỳ vọng sẽ mang tới diện mạo mới cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Thêm sức mạnh cho "ông lớn"
Mới đây, Tập đoàn PAN đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với C.P Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN cho biết: "Người ta nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Nhưng tôi tham: vừa muốn đi nhanh, vừa muốn đi xa. Do vậy, tôi chọn những đối tác cùng chí hướng với mình. Việc C.P Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta - công ty con của PAN sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khác cho sự hợp tác giữa hai bên".
![]() |
Thương vụ hợp tác giữa De Heus Việt Nam và Masan "hâm nóng" làn sóng mua bán và sáp nhập trong ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. |
Trước đó không lâu, thương vụ hợp tác giữa De Heus Việt Nam và Masan cũng "hâm nóng" làn sóng mua bán và sáp nhập trong ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed (bao gồm 100% Anco và 75,2% Proconco) của Tập đoàn Masan.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song với việc mua lại mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed, bao gồm 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy Premix, với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn, De Heus có thể củng cố vị thế của mình trên thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á.
Năm ngoái, doanh thu của De Heus chỉ đạt 12.763 tỷ đồng nhưng nếu tính gộp cả phần của MNS Feed, thì con số sẽ lên tới 26.510 tỷ đồng, vượt C.P Việt Nam với doanh thu 20.845 tỷ đồng. De Heus trở thành công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với hơn 1 tỷ USD doanh thu.
Không chỉ mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, De Heus và Masan còn ký thỏa thuận chiến lược, theo đó De Heus sẽ cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn cho Masan.
Trong chia sẻ mới đây, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho rằng với việc sở hữu hơn 20 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam, với tổng sản lượng 32 triệu tấn, doanh nghiệp (DN) này đứng thứ 6-7 trên thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi về thị phần. Hiện, De Heus sản xuất ăn chăn nuôi ở 14 quốc gia, phân phối ở 52 quốc gia.
Đánh giá về sự phát triển của ngành chăn nuôi 10 năm trước, ông Gabor Fluit cho rằng Malaysia, Thái Lan có hiệu quả tốt hơn, song giờ tình thế đã đổi khác, Việt Nam đứng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, De Heus sẽ xem thị trường Việt Nam giống như "sân nhà" của mình tại khu vực châu Á trong việc sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi.
Có thể thấy, trong khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhiều DN nông nghiệp lại đang tự tin về con đường phía trước, với những kế hoạch mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nói về sự bắt tay giữa các DN trong ngành nông nghiệp không thể không nhắc tới thương vụ vào năm 2017 giữa CTCP Đường Biên Hòa vào CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh để hình thành Tổng công ty Mía đường Thành Thành Công. Thời điểm đó, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công có trong tay DN lớn nhất ngành mía đường Việt Nam với số vốn 10.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 8.000 tỷ đồng. Cùng với đó là một số thương vụ khác như "đại gia" Thaco với Hoàng Anh Gia Lai...
Chia sẻ với VnBusiness, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ, nhìn nhận sự hợp tác của các DN sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Khi không có DN bao tiêu đầu ra, nông dân sẽ sản xuất tự phát, phụ thuộc thương lái. Trong khi đó, nếu có sự tham gia của DN lớn - có thị trường tốt, họ sẽ đứng ra liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã (HTX), sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Không chỉ ngành nông nghiệp phát triển mà đất nước sẽ giàu có.
Cần tính tới lợi ích của nông dân
Khi DN xây nhà máy đều có tường rào bao bọc xung quanh, nhưng hãy mở một cánh cửa cho HTX, người nông dân đi vào. Chuỗi ngành hàng của DN sẽ không khép kín trong hàng rào, mà chuỗi đó phải có sự tham gia của HTX, người nông dân".
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Tuy nhiên, GS. Võ Tòng Xuân cũng băn khoăn nếu sự hợp tác, bắt tay của các DN chỉ nằm ở trong nhà màng, nhà lưới hay nhà máy của mình để nâng cao thị phần thì rõ ràng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Thậm chí, nếu hợp tác chỉ để nắm quyền chi phối, quyết định thị trường giá cả đầu vào hoặc đầu ra thì đúng là... "chết nông dân"!
Bởi vậy, ông Xuân cho rằng các bộ, ban ngành cần có cơ chế để thu hút các DN có tâm và có tài về từng địa phương, bằng cách ban đầu Nhà nước hoặc địa phương có thể bỏ vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng chế biến. Khi mọi thứ hoạt động tốt, Nhà nước sẽ giao cơ sở cho DN làm chủ và từ từ trả vốn lại cho Nhà nước. Đây là bí quyết của Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng trong giai đoạn mới phục hồi kinh tế sau Thế chiến 2.
Theo chuyên gia Võ Tòng Xuân, chính sách khuyến khích các nhà DN có tâm và có tầm tham gia với tỉnh như mô hình ở trên là cách thu hút họ dễ dàng hơn là chỉ mời suông. Đặc biệt, có DN đi tìm đầu ra hoặc đi mở thị trường mới xây dựng được chuỗi giá trị cho các đặc sản tiềm năng của địa phương.
"Các DN làm ăn tốt, chế biến chính phẩm và phụ phẩm sẽ không bỏ phí nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho nông dân, sẽ có thu nhập cao, đóng thuế doanh thu nhiều hơn, chừng đó tỉnh mới có thêm nguồn thu, ngân sách của tỉnh sẽ giàu có hơn. Thiết kế phát triển theo chuỗi giá trị, chúng ta giảm thiểu tình trạng nông dân tự phát sản xuất dẫn đến tình trạng giải cứu triền miên mà người thất thế nhất là nông dân", ông Xuân nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn ra quyển sách mà ông mới đọc được của nhà dự báo người Mỹ về tương lai thế giới sau đại dịch COVID-19 có đoạn viết về nông nghiệp: "Sau đại dịch, cả thế giới sẽ bàn lại xem ngành nào là ngành thiết yếu, ngành nào mất đi, tồn tại và phát triển mới, nhưng có một ngành thiết yếu không phải bàn cãi đó là nông nghiệp".
Theo đó, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp. Sự tham gia của cộng đồng DN sẽ truyền cảm hứng cho chính nhà quản lý, cũng như kích hoạt nền nông nghiệp, nông thôn và DN cùng lớn mạnh.
Hơn ai hết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết DN là người nắm rõ nhu cầu thị trường, biết rõ thừa, thiếu ở khâu nào, làm thế nào để nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Người đứng đầu ngành nông nghiệp lưu ý: "Khi DN xây nhà máy đều có tường rào bao bọc xung quanh, nhưng hãy mở một cánh cửa cho HTX, người nông dân đi vào. Chuỗi ngành hàng của DN sẽ không khép kín trong hàng rào, mà chuỗi đó phải có sự tham gia của HTX, người nông dân".
Ông Nguyễn Duy Hưng Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nông dân, nông thôn tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và bước đi, biện pháp cụ thể phải là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn… Vì vậy, các địa phương đầu tư phát triển hạ tầng nhưng cần quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút DN đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hiện tại, các DN FDI chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nhưng lĩnh vực sữa thì các DN Việt chiếm lĩnh thị trường khá tốt. Vấn đề là tương quan với các DN FDI. Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu phải chăng người Việt phải giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị tăng cao hơn cho Việt Nam. Đồng thời, khi nói đến kinh tế nông nghiệp là phải gắn với nông nghiệp, nông dân cũng phải có tinh thần DN, và chúng ta phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là lưu ý quan trọng nhất.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng Chủ tịch HĐQT CTCP dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) Hai năm COVID-19 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của nhiều DN, của nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng quãng thời gian này, công ty nào vẫn dựa vào ngành nông nghiệp, phát triển sản phẩm thế mạnh của Việt Nam thì chắc chắn vẫn thăng hoa. Hai năm thăng trầm của nhiều DN, nhưng cũng là hai năm "đơm bông, nở hoa" cho sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các bộ ngành địa phương cần tạo điều kiện cho DN đến đầu tư vào nông nghiệp, phát triển chuỗi hàng hóa cho sản phẩm thế mạnh, trong đó vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong việc mời gọi nhà đầu tư. |
Lê Thúy