Vào ngày 15/3 sắp tới Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) chính thức triển khai cung cấp khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng) phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG. Điều này được cho là góp phần vào chuyển đổi năng lượng xanh ở các doanh nghiệp (DN) sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh trong xu hướng chung trên toàn cầu như hiện nay.
Nhìn từ triển vọng xen lẫn thách thức của khí LNG
Chia sẻ về việc này, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV Gas, cho biết đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo của chuỗi giá trị khí LNG, trong đó có các cam kết mang đến giải pháp năng lượng xanh, đồng hành cùng Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Rất cần tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách để nguồn năng lượng sạch đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất xanh ở Việt Nam như hiện nay. |
Theo ông Phong, với vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp khí Việt Nam, việc đồng hành cùng các DN sản xuất trên hành trình chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, xanh, lâu dài và bền vững là rất quan trọng đối với PV Gas.
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng khí LNG ở Việt Nam sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu. Theo tính toán nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên đạt khoảng 14-18 tỷ mét khối vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ mét khối vào năm 2045.
Việc nhập khẩu khí LNG được xem là một giải pháp hữu hiệu, có nhiều ưu điểm, hướng đi đúng đắn để vừa bù đắp sự thiếu hụt nhu cầu khí trong nước, hiện thực hóa quá trình chuyển dịch dài hạn từ các nhiên liệu cho phát điện khác (như than, dầu) sang khí tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước theo hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại không nhỏ cho các DN sản xuất trong việc sử dụng khí LNG. Đó là Việt Nam không chủ động được nguồn cung cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, sẽ phải chấp nhận việc giá nhiên liệu LNG biến động thất thường. Thêm nữa, một thách thức khác là việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện, bởi vì giá nhiên liệu thường chiếm tới 70-80% giá thành điện năng sản xuất.
Đó còn là thách thức trong triển khai các dự án điện khí LNG như chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm, chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…
Ngoài ra, một trở ngại khác với các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu LNG là nếu theo quy hoạch đến năm 2030, để đáp ứng đủ khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG hoạt động, cần có hệ thống kho chứa dung tích lên tới khoảng 15-18 triệu tấn LNG/năm. Nhưng hiện Việt Nam chỉ có duy nhất dự án kho chứa LNG Thị Vải, với công suất 1 triệu tấn LNG/năm. Nếu tính cả công suất giai đoạn 2 của kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm (dự kiến vận hành vào năm 2026) và triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm, thì cũng chưa đủ.
Bao giờ đạt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch?
Bên cạnh triển vọng đan xen thách thức từ nguồn điện khí LNG nêu trên, trong Sách trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được công bố gần đây có lưu ý nhiều vấn đề về nhu cầu sử dụng năng lượng sạch cho sản xuất xanh ở Việt Nam, cơ hội từ việc phát triển năng lượng tái tạo và khung pháp lý về năng lượng.
Theo đó, EuroCham ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng sạch từ các công ty tiêu thụ điện, đặc biệt là các công ty quốc tế quy mô lớn đã thành lập, hoặc đang tìm cách đặt cơ sở tại Việt Nam và đang tìm kiếm nguồn năng lượng sạch cho DN của mình. Thông thường, đây là một phần trong cam kết của DN về việc sử dụng 100% năng lượng sạch.
Thực tế cho thấy, mục tiêu sử dụng “100% năng lượng sạch” là mục tiêu đầy thách thức đối với các nhà sản xuất ở Việt Nam trong khi đây là mục tiêu đã trở nên phổ biến đối với các công ty trên toàn cầu.
Để vượt qua thách thức này, giới chuyên gia cho rằng cần thực hiện ngay Đề án thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) với các tiêu chí phù hợp và thiết lập một quy trình hiệu quả để lựa chọn dự án thí điểm và giảm bớt gánh nặng pháp lý cho các công ty muốn triển khai các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ điện”.
Trên lộ trình sản xuất xanh, theo EuroCham, ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu trực tiếp mua năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió) từ các nhà sản xuất điện độc lập tại Việt Nam. Họ cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình trong việc mua năng lượng tái tạo thông qua DPPA được đề xuất và sản xuất năng lượng sạch của riêng họ trong các nhà máy điện. Sự chắc chắn trong việc đảm bảo cung cấp “năng lượng xanh” giúp giải quyết nhu cầu đáp ứng các mục tiêu của DN và nhu cầu của nhà đầu tư.
Về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất xanh ở Việt Nam, Phó giáo sư Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore) nhấn mạnh: “Thành tựu phát triển năng lượng tái tạo thành công ở Việt Nam phụ thuộc vào sự tương tác năng động và hiệu ứng tương hỗ lẫn nhau của quản trị quốc gia hiệu quả, lựa chọn kinh doanh có tầm nhìn và các cơ chế được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tiến bộ liên tục”.
Theo ông Khương, quan trọng là Việt Nam duy trì cam kết đối với những yếu tố này, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới công nghệ và các hoạt động bền vững.
Có thể nói, từ việc cung cấp khí LNG cho đến mục tiêu sử dụng “100% năng lượng sạch” sẽ còn là chặng đường dài không ít thách thức, rào cản, để thấy ngành năng lượng của Việt Nam cần được tháo gỡ phần nào khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu về sản xuất xanh như hiện nay. Như với điện khí LNG đang rất cần cần xem xét một số cơ chế đặc thù riêng phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các DN nhập khẩu và tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên này.
Ngoài ra, cần tối đa hóa phần đóng góp của năng lượng sạch trong hệ thống năng lượng bằng cách làm rõ cách tiếp cận kịp thời và phối hợp để phân bổ các dự án. Hơn nữa, nên cho phép các DN tiêu thụ điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các DPPA trong các chương trình thí điểm và bằng cách giảm các rào cản quy định về thiết bị đầu cuối đối với các nhà máy năng lượng sạch.
Thế Vinh