Trong văn bản mới nhất được Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) gửi đến Hiệp hội Phân bón Việt Nam vào tháng 6/2024 có nêu rõ trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì dự án luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Và tại dự thảo luật này, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Từ mong mỏi ở mảng phân bón hóa chất
Để chuẩn bị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật nêu trên, Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các thành viên của hiệp hội cung cấp thông tin, đánh giá về tác động của việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, đối với giá thành sản xuất, giá bán của mặt hàng phân bón.
Các DN sản xuất hóa chất kỳ vọng được tháo gỡ các bất cập trong chính sách về thuế để tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. |
Cụ thể là cung cấp thông tin (trước ngày 1/7/2024) của các DN về tình hình hoạt động sản xuất, tiêu thụ mặt hàng phân bón, rồi dự kiến số thuế GTGT sẽ được trừ, tỷ lệ chi phí được giảm đi do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dự kiến tỷ lệ giá bán sẽ được giảm đi do giảm giá thành…
Có thể nói việc áp dụng mức thuế suất 5% là điều mong mỏi nhiều năm nay của các doanh nghiệp (DN) nội địa trong mảng hóa chất phân bón. Như chia sẻ mới đây của lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), việc sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT sẽ là yếu tố thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong năm nay.
Còn theo Ts. Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu luật thuế 71/2014/QH13 (tại Khoản 1, Điều 3 có quy định mặt hàng phân bón không phải chịu thuế GTGT) được sửa đổi sẽ đem lại “lợi ích kép” cho cả “3 nhà”: Nhà nước, DN và người nông dân. Cụ thể, khi luật thuế GTGT được sửa thì DN sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn do chi phí giá thành phân bón trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Ông Đỗ Đức Hùng, chủ một DN chuyên về sản xuất hóa chất phân bón, cho rằng chính sách thuế GTGT với phân bón hiện tại đang không có lợi cho cả DN sản xuất lẫn người nông dân. Trong gần 10 năm khi áp dụng luật thuế 71 (có hiệu lực từ năm 2015), số tiền thuế GTGT mà công ty phải chịu không được khấu trừ là khoảng 300 tỷ đồng.
Theo ông Hùng, do các khoản thuế đầu vào từ hoạt động đầu tư, từ chi phí nguyên nhiên vật liệu (thường khoảng 10% và gần đây có loại giảm xuống 8% theo chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính Phủ) không được khấu trừ. Do đó công ty phải cộng vào giá thành dẫn đến tổng mức đầu tư tăng, chi phí sản xuất tăng làm cho giá bán buộc phải tăng theo và người tiêu dùng là nông dân phải gánh chịu.
Không chỉ các DN trong mảng phân bón hóa chất nói riêng kỳ vọng được “cởi trói” về thuế GTGT, với các DN nội địa trong ngành hóa chất nói chung, điều kỳ vọng là được tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách thuế.
Đơn cử như một số DN hóa chất gần đây đã đề xuất cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo đảm phát triển bền vững.
Đến kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh
Hoặc như rủi ro về thuế xuất khẩu (XK) cũng làm cho DN công nghiệp hóa chất gặp bất lợi. Chẳng hạn có DN trong nước chuyên sản xuất phân bón SOP (một loại phân kali chất lượng cao) với công suất 25.000 – 30.000 tấn/năm, cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước, số còn lại XK vì bà con nông dân chưa quen sử dụng SOP. Thế nhưng hiện nay, mặt hàng này đang bị đánh thuế XK 5% khiến cho việc cạnh tranh rất khó khăn. Cho nên, điều mong đợi của DN là được áp dụng mức thuế suất XK SOP 0%.
Tương tự như vậy, chính sách thuế rất cần áp dụng mức thuế suất XK Urea và Supe lân 0% để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sản xuất hóa chất phân bón. Để từ đó khuyến khích họ đầu tư máy móc sản xuất các mặt hàng có giá trị XK cao khi mà những mặt hàng này ở trong nước đang sản xuất dư thừa.
Có thể nói để tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy XK các mặt hàng hóa chất thì việc điều chỉnh linh hoạt những chính sách liên quan đến thuế suất là rất quan trọng. Bởi lẽ, như dữ liệu của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp.
Hơn nữa, dự kiến đến năm 2030 công nghiệp hóa chất trong nước sẽ phát triển với tốc độ từ 10-11% và chiếm tỷ trọng từ 4-5% trong nền công nghiệp Việt Nam. Không những vậy, lĩnh vực này đang đem lại giá trị tỷ đô cho hoạt động XK.
Ngoài ra, để giúp các DN nội địa trong ngành công nghiệp hóa chất khơi thông XK thì việc kết nối giao thương là rất quan trọng. Như chia sẻ của ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất tại Triển lãm và hội thảo quốc tế về ngành Sơn phủ, Giấy, Cao su và Nhựa tại Việt Nam năm 2024, đây là cơ hội để các DN trong lĩnh vực này tìm kiếm khách hàng quốc tế, thúc đẩy kinh doanh.
Theo ông Ngọc, Việt Nam đang dần từng bước trở thành một trong những quốc gia XK sơn, nhựa, cao su (những lĩnh vực có liên quan đến công nghiệp hóa chất) trong khu vực. Cho nên các DN nội địa trong ngành công nghiệp hóa chất rất cần đầu tư kỹ thuật, công nghệ mới để có được những sản phẩm chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh khi XK và hướng đến sự phát triển bền vững.
Xét tình hình chung, từ vướng mắc về thuế suất ở mảng hóa chất phân bón cho đến những thách thức đang phải đối mặt, để đưa công nghiệp hóa chất trở thành công nghiệp nền tảng ở Việt Nam, điều cần làm là sớm tháo gỡ những bất cập trong khâu chính sách (đơn cử như vấn đề thuế suất). Đặc biệt là với các DN nội địa trong lĩnh vực này, ngoài việc điều chỉnh linh hoạt ở khâu chính sách để tạo lợi thế cạnh tranh thì họ cần tự chuyển mình để có sức bật mới.
Thế Vinh