Số liệu thống kê mới nhất cho thấy xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản của Việt Nam vào EU trong 5 tháng đầu của năm 2024 đã đạt 3,2 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, dù tăng trưởng tốt như vậy nhưng một thị trường lớn như EU hiện tại chỉ chiếm thị phần có 13,3% trong tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Đối mặt sức ép cạnh tranh
Thực tế cho thấy thách thức lớn cho ngành hàng nông sản Việt khi XK vào thị trường này là dù có ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) nhưng luôn phải đối mặt áp lực cạnh tranh trước nhiều đối thủ sừng sỏ, không những thế còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp (DN) Việt có tâm lý e ngại tập trung XK vào EU, nên việc cải thiện thị phần ở đây là điều rất khó.
Các nhà thu mua quốc tế của EU luôn xem xét kỹ các mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam là liệu có đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe hay không. |
Đơn cử như thông tin mới đưa ra từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), đó là ngành cá ngừ của Việt Nam đứng trước thách thức khi Thái Lan và EU có thể tiến tới ký kết FTA. Điều này dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường EU (tính đến hết tháng 4/2024, kim ngạch XK cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 67 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023).
Bởi lẽ, Thái Lan có khả năng cung cấp 600.000 tấn cá ngừ đóng hộp mỗi năm. Trong khi đó, so với Thái Lan, năng lực sản xuất của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, trong khi Thái Lan đã được gỡ thẻ vàng, Việt Nam vẫn chưa làm được điều này.
Và một khi FTA giữa EU và Thái Lan được ký kết, EU có khả năng sẽ tiếp cận thị trường thủy sản Thái Lan với mức thuế 0%, bao gồm cá ngừ. Còn tính đến thời điểm này, cá ngừ Thái Lan XK sang EU gặp bất lợi so với cá ngừ Việt Nam vì đang chịu thuế 24% – mức thuế cao nhất so với thế giới, sau sự việc Thái Lan bị mất quyền lợi thuế từ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của EU vào năm 2015. Hiện Thái Lan chỉ XK một lượng nhỏ cá ngừ vây vàng sang EU để phục vụ chế biến.
Do vậy, theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Vasep, nếu sau khi đàm phán và tiến tới ký kết, khi FTA giữa EU và Thái Lan (ETFTA) có hiệu lực, mặc dù chưa biết rõ điều khoản thỏa thuận ra sao nhưng chắc chắn XK cá ngừ của Thái Lan sang EU sẽ thuận lợi hơn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam tại thị trường này.
Ngoài mối lo nêu trên, có thể thấy XK thủy sản của Việt Nam vào EU vẫn đang đối mặt với sức ép cạnh tranh với nhiều đối thủ tầm cỡ khác. Chẳng hạn như với XK tôm, có hai đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường EU là Ecuador và Ấn Độ. Tại EU, tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ, đang có lợi thế hơn so với Việt Nam.
Gần đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), kể rằng khi đi dự hội chợ thủy sản quốc tế ở Barcelona, Tây Ban Nha (một trong ba hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới) thì thấy tôm của Việt Nam đang gặp khó ở đây, như hồi năm rồi mức tiêu thụ giảm sút nhiều.
Nguyên nhân là vì tôm giá rẻ của Ecuador chiếm lĩnh thị trường này. Họ có lợi thế là giá rẻ, là đáp ứng xu thế người tiêu dùng ở đây là tôm có chứng nhận nuôi ASC (tôm nuôi đạt chuẩn an toàn), là chi phí vận chuyển thấp hơn.
Theo ông Lực, xu thế người tiêu dùng ở EU đi trước các thị trường khác. Họ đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn ASC, đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…).
“Sự yêu cầu nghiêm ngặt này là một lý do khiến đại lộ Việt Nam - EU đã có nhưng các xe ta (DN chế biến) chưa thể tăng tốc nổi. Chắc chắn tình hình này càng khiến các doanh nghiệp XK tôm cá của ta càng phải tiếp cận thị trường này thấu đáo hơn”, ông Lực chia sẻ.
Nên tiếp cận thị trường thấu đáo hơn
Không chỉ với thủy sản, XK nông sản nói chung của Việt Nam sang thị trường EU vẫn đối mặt sức ép về mặt cạnh tranh trước nhiều đối thủ. Đó là lý do mà trong hơn 160 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng nông sản mỗi năm của EU thì thị phần của Việt Nam chỉ chiếm khiêm tốn là 4%.
Với vỏn vẹn 4% thị phần như vậy đang cho thấy giá trị và kim ngạch XK hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng XK nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Đơn cử như XK rau quả. EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, thế nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU. Điều đáng nói nhu cầu tiêu dùng rau quả của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài.
Điều này nguyên nhân một phần là do rau quả Việt chưa thể cạnh tranh tốt so với đối thủ và một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Như hồi tháng 1/2024, EU đã đưa vào diện kiểm soát 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam XK vào thị trường này, cụ thể là ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long.
Hay như việc XK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào EU vẫn là một bài toán khó chưa thể có ngay được lời giải. Trong Sách Trắng 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lưu ý việc đặt lại trọng tâm vào vấn đề an toàn thực phẩm và thảo luận về cách đảm bảo an toàn thực phẩm là rất quan trọng để Việt Nam tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA.
Thật vậy, các cơ quan quản lý của EU yêu cầu phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định như không có dấu vết của kháng sinh hoặc chất bị cấm. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, hàng năm ở Việt Nam, có khoảng 2.751 tấn thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi, và lượng kháng sinh cao nhất được tìm thấy ở lợn và gia cầm.
Cho nên EuroCham đang kỳ vọng các quy định được ban hành gần đây về hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nhằm khai thác đầy đủ lợi ích từ EVFTA bằng cách tối đa hóa XK.
Tựu trung, trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ và thị phần vẫn còn khiêm tốn tại thị trường EU, điều mà ngành hàng nông sản Việt cần làm là rút ra những bài học cho mình để không thể đánh mất lợi thế về thuế quan trong EVFTA và cần tiếp cận thị trường một cách thấu đáo hơn. Nếu muốn tăng tốc cải thiện thị phần ở thị trường lớn nhưng khó tính này, đồng nghĩa với việc các DN xuất khẩu nông sản cần phải hóa giải các thách thức về mặt giá cả, chất lượng, năng lực chế biến, gia tăng công suất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Thế Vinh