Khảo sát từ Sở Công Thương Nghệ An cho thấy số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang hoạt động nhưng có đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn quá ít.
Hầu hết các DN nhận thức chưa đầy đủ về thương hiệu nên không có chiến lược đầu tư cho vấn đề này, vì thế các sản phẩm của DN thường thất bại ngay trên "sân nhà" chứ chưa nói đến cạnh tranh xuất khẩu.
Thực tế từ Nghệ An
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hóa, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. Thế nhưng, hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn quá ít so với hoạt động kinh tế của tỉnh; tỷ lệ đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Nghệ An so với cả nước rất thấp, chỉ chiếm 0,46%.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nghệ An tổ chức điều tra nhu cầu của DN trên địa bàn về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Kết quả cho thấy chỉ có 16,4% DN đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% DN cho biết đang tìm hiểu, 50,4% DN chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ, 11,7% DN trả lời chưa có nhu cầu, chưa quan tâm và chưa có ý định đăng ký…
Bà Lê Thị Phương, Trưởng phòng Tin học, thống kê KHCN (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An), nêu thực tế: Nhiều DN Nghệ An chưa mặn mà với đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là do nhận thức còn hạn chế, chưa thực sự xem việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là công cụ để phát triển bền vững. Các DN ở Nghệ An chưa lường hết được những khó khăn, bất cập mà DN có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh khi không đăng ký quyền sở hữu, cũng như chưa hiểu rõ những quyền lợi sẽ được hưởng.
Thực tế cho thấy khá nhiều DN của Nghệ An từng tạo ra sản phẩm tốt, gây ấn tượng với người tiêu dùng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại tự đánh mất khách hàng.
Chưa nhiều DN tại Nghệ An chú trọng quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm như công ty cổ phần Sữa TH |
Chưa thành công đã sớm thỏa mãn
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau khi giành được thị phần kha khá, DN vội vàng tăng giá để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và muốn đạt lợi nhuận cao.
Trong khi đó không có chiến lược chăm sóc khách hàng để xây dựng nên một thương hiệu có tính bền vững, sớm tự bằng lòng với sản phẩm đã có mà không có sự tìm tòi sáng tạo, không liên tục cải tiến để sản phẩm ngày càng tốt hơn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Điều này được minh chứng rõ ràng nhất qua hai sản phẩm từng "nổi đình nổi đám" một thời ở Nghệ An nhưng nay chỉ còn là dĩ vãng. Đầu những năm 1990, Nghệ An có Nhà máy sản xuất mì ăn liền Vifon được khá nhiều người dân ưa thích.
Nhưng suốt nhiều năm liền chất lượng, mẫu mã của Vifon vẫn không hề thay đổi, trong khi nhiều nhãn hãng mì ăn liền ở nơi khác liên tục cải tiến dẫn đến thương hiệu Vifon nhanh chóng bị xóa sổ và giải thể nhà máy.
Cách đây hơn 10 năm, Nghệ An tự hào có sản phẩm nước dứa cô đặc đạt Huy chương vàng hội chợ quốc tế, sản phẩm không chỉ khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước, thế nhưng cũng chỉ tồn tại được khoảng 4 – 5 năm rồi biến mất do không chịu thay đổi chính bản thân mình.
Thậm chí, một thương hiệu từng được xếp vào tốp đầu của ngành xi măng cả nước về chất lượng như công ty Xi măng Hoàng Mai sau một thời gian ăn nên làm ra hiện nay cũng đang "bết bát" do chiến lược kinh doanh thiếu hiệu quả và đánh mất dần thị phần…
Thời gian vừa qua, công ty CP Nafoods cho ra mắt sản phẩm nước chanh leo và các loại nước trái cây cô đặc, theo đánh giá của nhiều người sau khi dùng thử thì đây là một loại sản phẩm mới chất lượng tốt và tiện ích, phù hợp với nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, phải nói là chiến lược bán hàng của DN này quá kém nên sản phẩm tốt mà rất ít người tiêu dùng biết đến.
Nhìn rộng hơn, thực tế đã cho thấy phần lớn DN Việt Nam đều thiếu những chiến lược kinh doanh lâu dài. Nhiều thương hiệu từng chiếm lĩnh thị trường trong nước thời kỳ bao cấp như xe đạp Thống Nhất, Quạt Hoa Sen… sau hàng chục năm không những không phát triển lên tầm cao mới để cho ra những sản phẩm ngày càng tốt hơn mà còn bị xóa sổ hoàn toàn bởi không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
Hải Hảo