Theo ước tính, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu (XK) thép của Việt Nam đã đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Con số này được cho là khả quan, duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước trong bối cảnh ngành thép Việt còn đang chịu nhiều áp lực. Thị trường XK thép chủ yếu vẫn là khu vực ASEAN (chiếm hơn 50% tổng lượng thép thành phẩm XK), tiếp đến là Mỹ, EU.
Đối mặt dư thừa thép
Có thể kể một tên tuổi điển hình là Thép Hòa Phát, trong quý I/2018 đã đạt kim ngạch XK thép 7 triệu USD với các thị trường như Australia, ASEAN, Mỹ. Điều may mắn cho doanh nghiệp (DN) này là vào tháng 3 vừa qua, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ban hành phán quyết cuối cùng về vụ kiện chống bán phá giá thép dây cuộn nhập khẩu (NK) từ Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, tuyên bố Hòa Phát và các DN Việt Nam không bán phá giá thép cuộn sang nước này và quyết định chấm dứt cuộc điều tra.
Điều đó có nghĩa Thép Hòa Phát khi xuất sang Australia sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá. Đây là thị trường XK thép có nhiều triển vọng và phán quyết trên thực tế đã mang lại “cửa sáng” cho các DN XK thép của Việt Nam.
Ngày 8/5 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đã xuất lô hàng 15.000 tấn tôn (trị giá khoảng 12 triệu USD) đầu tiên từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến thị trường EU.
Số sản phẩm này được sản xuất tại Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định mà Tập đoàn Hoa Sen đã dày công đầu tư trong thời gian qua nằm trong chiến lược mở rộng thị trường XK.
Song song đó, vấn đề đáng bàn quanh chuyện tăng trưởng XK thép, theo giới chuyên gia, dù nhu cầu sử dụng thép trên thế giới có tăng (dự báo năm 2018 tăng 1,6%) nhưng đang có sự mất cân đối cung – cầu, hay tình trạng dư thừa công suất của ngành thép được cho là vẫn còn kéo dài trong nhiều năm nữa do số nhà máy sản xuất thép vẫn đang tiếp tục được xây dựng trên khắp thế giới.
Chính vì vậy, như chia sẻ mới đây của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ngành thép gia tăng XK trong bối cảnh thế giới đang ở tình trạng dư thừa công suất và các sản phẩm thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều.
Đến nay, thép là ngành hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với 27 vụ việc, chiếm tỷ trọng khoảng 21%. Hầu hết các thị trường NK lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước, gây nhiều khó khăn cho DN XK.
Xuất khẩu thép của Việt Nam gia tăng trong bối cảnh thế giới dư thừa công suất sản xuất thép |
Doanh nghiệp cần tỉnh táo
Mới đây, ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm thép NK, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị Chính phủ xem xét phương án rút lại cam kết ưu đãi thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu của Mỹ.
Quan điểm của nhiều quốc gia là nếu tình trạng NK thép tiếp tục xảy ra thì không thể giải quyết được vấn đề dư thừa công suất, do vậy họ sẽ phải thay đổi các thông lệ về xác định quy tắc xuất xứ để phòng chống hiện tượng lẩn tránh thuế.
Mặt khác, những năm gần đây đã xuất hiện cáo buộc của một số quốc gia cho rằng việc các DN Việt Nam NK phôi thép và thép cán nóng từ Trung Quốc để cán nguội và sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn là một hình thức lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà các quốc gia này đã áp dụng đối với thép Trung Quốc.
Trước những rủi ro như vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý DN hãy tỉnh táo nhìn nhận bức tranh tổng thể để thấy việc tăng công suất, tăng đầu tư hướng đến XK vào giai đoạn này là rất rủi ro.
Các DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược kinh doanh thận trọng, đánh giá đầy đủ các rủi ro, nhất là không nên coi việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc là “cơ hội XK” đối với thép Việt Nam.
Được biết, các sản phẩm thép XK của Việt Nam chủ yếu là tôn mạ màu và ống thép, trong khi sản phẩm thép mà Việt Nam đang dư thừa chủ yếu là thép xây dựng lại hầu như không XK được.
Điều này một phần là để đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, các nước thường có những tiêu chuẩn rất cao và việc kiểm soát đối với thép xây dựng cũng rất chặt chẽ, nên nếu để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm thép của Việt Nam, khiến cho việc cạnh tranh trên các thị trường XK trở nên khó khăn hơn.
Trong tương tai, với việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giới chuyên gia nhận định sẽ có những tác động tích cực đối với các DN XK thép ở Việt Nam. Các nước trong khối CPTPP đều cho thấy nhu cầu NK thép thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn toàn cầu, nên thép của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường này để tăng kim ngạch XK.
Nhưng muốn tận dụng tốt cơ hội, các DN thép của Việt Nam ngoài việc nắm bắt kỹ về các nội dung, quy tắc trong CPTPP cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường XK vốn rất khó tính này.
Thế Vinh