Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” công bố ngày 8/5 cho thấy năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đang thua xa khu vực.
PGs. Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho biết NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.
“Đội sổ” khu vực
Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.
Nếu như giai đoạn 2006-2012, tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ bình quân của Việt Nam với tỷ lệ bình quân 37,05%/năm, đã tăng lên 58,59%/năm trong giai đoạn 2012-2017, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của TFP trong tăng trưởng NSLĐ bình quân của Việt Nam.
Tuy nhiên, trên phương diện so sánh quốc tế, NSLĐ của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia) cho thấy tới năm 2015, NSLĐ của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất.
Đặc biệt, các ngành có năng suất thực sự đội sổ bao gồm chế biến chế tạo, xây dựng và logistics, cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.
“Những nền tảng lõi nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải hay logistics lại có năng suất thấp nhất. Đây là những ngành chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế Việt Nam về quy mô”, ông Thành cho rằng có sự méo mó trong năng suất của Việt Nam.
Đồng thời, trong một thập niên gần đây, năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu, trong khi thị trường lao động linh hoạt có ý nghĩa quan trọng nhưng lại chưa được chú ý.
Chưa kể, theo báo cáo trên, NSLĐ của khu vực nhà nước cao không phải do làm việc hiệu quả mà vì cường độ vốn cao làm cho năng suất cao, khu vực tư nhân cường độ vốn thấp, lao động chủ yếu làm cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ nên năng suất thấp.
Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng của lương tối thiểu và lương trung bình nếu vượt quá tốc độ tăng NSLĐ sẽ dần dần phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế về nhiều mặt, đặc biệt là cản trở sự tích tụ vốn con người, làm giảm động lực của các nhà đầu tư, lợi nhuận của DN và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng lương trung bình (6,7%) nhìn chung vượt quá tốc độ tăng NSLĐ (5%) trong giai đoạn 2004-2015 (đặc biệt sau năm 2009).
“Việc tiền lương tăng nhanh hơn tăng trưởng NSLĐ nhìn chung làm giảm tỷ lệ lợi nhuận, kéo lùi tốc độ tích lũy vốn của khu vực DN và tương ứng với đó là mức tạo việc làm. Đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm cả trên phương diện thị trường lao động và của khu vực DN nội địa”, ông Thành đánh giá.
Tốc độ tăng trưởng lương trung bình (6,7%) nhìn chung vượt quá tốc độ tăng NSLĐ (5%) trong giai đoạn 2004-2015 (đặc biệt sau năm 2009). |
Cải cách mạnh mẽ hơn
Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng nhân tố TFP cũng như cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế”, báo cáo này khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp (chế biến chế tạo) và dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đánh giá NSLĐ của Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, nhiều điểm thua cả Campuchia và Lào, vì vậy, cơ quan quản lý cần làm rõ định hướng để có chính sách tốt nhất.
Ông Tuyển cho biết hạn chế lớn nhất hiện nay là thống kê GDP không thống kê được khu vực không chính thức, phản ánh không đúng thực trạng nền kinh tế.
“Bên cạnh đó, xác định tăng trưởng năng suất nên theo hướng dịch chuyển từ khu vực thấp sang cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chưa chắc ngành nông nghiệp có năng suất thấp, nếu ngành nông nghiệp sản xuất lương thực gắn với chuỗi giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất cao, thậm chí còn cao hơn dệt may”, ông Tuyển nói.
Các chuyên gia cho rằng mối quan ngại số một của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế là NSLĐ thấp và sụt giảm, điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Bà Phạm Chi Lan đánh giá trong tương lai, nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam phải tìm cách nâng cao năng suất, cải thiện năng suất ở một số ngành mũi nhọn – những ngành sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Lan cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận DN Việt chủ yếu là DN nhỏ, hệ quả tất yếu NSLĐ không cao là điều dễ hiểu. Thực tiễn cho thấy số DN tăng lên nhưng quy mô DN giảm đi, bởi vậy muốn tăng năng suất trước hết phải có chính sách hỗ trợ để DN nâng cao sức cạnh tranh.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Để nâng cao NSLĐ, cần có quy hoạch cụ thể và “giá đỡ” trong chuyển dịch lao động. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất.
Lê Thúy
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bình thường, DN tạo ra 100 đồng, trả lương cho lao động 30 đồng là hợp lý. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Việt Nam, lẽ ra tiền lương phải trả 30, giờ chúng ta mới trả được 10 đồng. Vì vậy, chúng ta chưa nên vội kết luận lương tối thiểu tăng nhanh hơn tăng NSLĐ. Đối với thị trường lao động chỉ có hai “người chơi” là DN và người lao động, Nhà nước chỉ định ra quy tắc chơi. Chúng ta phải hiểu tiền lương mới hiểu thị trường, hiểu thị trường thì mới tăng được NSLĐ. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Muốn tăng NSLĐ, bản thân DN phải đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Nhà nước chỉ đưa ra các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy quá trình tự nâng cấp công nghệ của DN dựa trên nhu cầu thực tiễn. Do đó, DN muốn liên kết với DN nước ngoài cần phải tự nâng cao năng lực của mình. DN phải hiểu mình cần gì, muốn gì thì Nhà nước mới có chính sách hướng vào trọng tâm. Cùng với đó, DN cũng phải nâng cao chất lượng lao động để giúp giảm một phần chi phí, trước hết đó là chi phí đào tạo. Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trong một thập niên gần đây, năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam từ năm 2008 – 2016 là 22%, tốc độ này chủ yếu đến từ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp. Trong khi đó, việc tăng năng suất của các nước phát triển chủ yếu đến từ dịch chuyển nội ngành. |