Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Đông Nam Bộ, chi phí đầu vào đội lên đang là bài toán khó cho nông dân trồng cây hàng năm khi bước vào vụ sản xuất mới. Đặc biệt, tính đến những ngày đầu tháng 6/2021, giá nhiều loại phân bón vẫn nằm ở mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nản lòng với giá đầu vào
Cụ thể như giá phân DAP tăng khoảng 10,5%, urê tăng hơn 21%, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20-30%...
Ông Lâm Văn Việt ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) than phiền, giá phân bón vẫn giữ ở mức cao khiến nhiều người làm nông nản lòng. Vụ hè thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón “nóng” ngay từ đầu vụ, vì đây là thời điểm phải tập trung bón phân cho lúa.
Giá nguyên vật liệu sản xuất tăng chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp “thấm đòn”. |
Còn ở Đồng Nai, ghi nhận cuối tuần qua cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức cao (tính từ cuối năm 2020 đến nay đã tăng 6 lần), khiến cho nông dân và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi dần “đuối sức” vì thua lỗ, nhất là trong bối cảnh giá lợn hơi tại các trại nuôi hiện đang giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Theo lý giải, dịch Covid-19 khiến cho việc vận chuyển nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón gặp khó khăn, nguồn cung hạn chế, dẫn đến giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên. Và cuối cùng thì nông dân “lãnh đủ”.
Sức ép giá đầu vào tăng cao không chỉ với nghề nông, mà các DN trong lĩnh vực xây dựng cũng đang gặp khó khăn không kém. Ghi nhận của VnBusiness tại Tp.HCM trong những ngày đầu tháng 6 cho thấy, giá thép, vật liệu xây dựng và các vật tư khác vẫn ở mức cao khiến cho nhiều người dân không dám xây, sửa nhà.
Còn tại các tỉnh ĐBSCL, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng đột biến (nhất là giá thép, cát, sơn…) và kể cả giá nhân công cũng tăng, khiến nhiều DN xây dựng có nguy cơ thua lỗ hàng tỷ đồng do phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết trước đó.
Thép vẫn là một trong những mặt hàng có mức tăng sốc nhất từ đầu năm 2021 đến nay. Theo số liệu mới nhất, giá thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý hồi tháng 12/2020 vào khoảng 12.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 6/2021 đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, vật tư cho các hoạt động sản xuất khác cũng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, khiến cho nhiều DN trong nước đối mặt với "khó khăn kép".
Chờ giải pháp giảm bớt áp lực lạm phát
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5 vừa qua, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng.
Đây là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.
Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, trong khi lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.
Quan sát tình hình giá cả gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt thứ 4 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đứng ở góc độ một nhà phân tích kinh tế, Ts. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT) nhận định, Việt Nam sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng. Điều này đã và đang thể hiện qua việc giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên. Từ đó, lạm phát sẽ bị đẩy lên trong năm nay.
Chuyên gia này lưu ý, Chính phủ cần quan tâm đến yếu tố giá cả và yếu tố tiền tệ khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% được Chính phủ đặt ra cho năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
“Một giải pháp giảm bớt áp lực lạm phát về giá, đó là Chính phủ có thể thông qua các quỹ bình ổn giá và kỷ luật tài khóa để hạn chế tăng giá một số mặt hàng thiết yếu và lương thực. Trong khi đó, lãi suất thấp và các gói chính sách hỗ trợ DN cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế”, ông Tuấn nói.
Theo chuyên gia của RMIT, Chính phủ cần kiểm soát chính sách tiền tệ một cách cẩn thận và nghiêm ngặt hơn. Lạm phát tăng cao bởi yếu tố tiền tệ sẽ khó kiểm soát hơn do yếu tố giá cả. Chính phủ nên đảm bảo nguồn cung tiền được đi vào nền kinh tế thực và tránh dòng tiền rẻ lại chảy vào bất động sản, chứng khoán hay tiền kỹ thuật số.
Ts. Chu Thanh Tuấn cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, phát triển kinh tế bền vững là vô cùng cần thiết. Mục tiêu kiểm soát lạm phát quan trọng nhưng cũng phải ưu tiên mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế. Đó cũng chính là cách mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
“Chính phủ cần có chính sách nhất quán, xây dựng nền tảng vĩ mô và tỷ giá cơ bản ổn định, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả. Và đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thành công thông qua việc đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin để đưa nền kinh tế phát triển bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thế Vinh