Mới đây, Campuchia đã đạt được thỏa thuận về việc cho phép xuất khẩu (XK) chuối sang Trung Quốc. Điều đáng nói, lô hàng XK chuối đầu tiên từ Campuchia sang Trung Quốc lại là của một doanh nghiệp (DN) Việt Nam – Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với sản phẩm được trồng tại tỉnh Ratanakkiri.
Xuất khẩu theo nhiều cách
Hiện, HAGL sở hữu khoảng 1.000ha diện tích trồng chuối tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia thông qua ba thành viên là Hoàng Anh Andong Meas, Hoàng Anh Romphat và Hoàng Anh Daun Penh Agrico.
Chuối đã trở thành nông sản thứ tư của Campuchia được cấp phép XK sang Trung Quốc, sau ngô, sắn và gạo thành phẩm. Mặt hàng tiếp theo, Campuchia kỳ vọng sẽ được cấp phép nhập khẩu (NK) vào thị trường Trung Quốc là xoài.
Và xoài cũng là loại trái cây mà HAGL có diện tích trồng rất lớn ở Campuchia. Rất có thể sản phẩm này cũng nối gót các lô hàng chuối thâm nhập thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Kể ra chuyện này để thấy việc XK nông sản của DN Việt sang Trung Quốc có thể theo nhiều hướng, nhiều cách và không hẳn là xuất trực tiếp từ Việt Nam. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc tạo thế cạnh tranh thương mại khi thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trên đà kéo giảm.
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy thâm hụt thương mại giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm 2018 còn 17,234 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức gần 18 tỷ USD hồi cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra âm ỉ và tác động đến xuất nhập khẩu Việt – Trung. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Lê Thị Hồng Sen, phụ trách kinh doanh tuyến châu Á và Australia của hãng tàu One tại Việt Nam, cho rằng rất cần bảo vệ quyền lợi lâu dài của các nhà XK Việt trong bối cảnh như vậy khi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của họ.
Theo bà Sen, khi Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất sang Mỹ và chuyển sang thị trường Việt Nam, ngành vận tải hoặc logistics liên quan hay các hãng tàu cũng có thêm lượng hàng từ Trung Quốc để vận chuyển.
Tính đến hết tháng 8/2018, tổng kim ngạch NK từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên đến 41,634 tỷ USD, tăng thêm gần 13,7% (tương đương khoảng 5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán, bình quân mỗi tháng cả nước chi khoảng 5,2 tỷ USD, tương đương hơn 120.000 tỷ đồng cho việc NK này.
Trong đó, Việt Nam đã chi 7,6 tỷ USD để NK máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc. Tiếp đến là mặt hàng điện thoại (5,227 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,726 tỷ USD).
Cần tiếp cận khôn ngoan khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc |
Tiếp cận khôn ngoan
Theo giới chuyên gia, cho đến nay, các DN ở Việt Nam NK từ Trung Quốc phần lớn là các sản phẩm cơ bản, cốt yếu phục vụ sản xuất hàng hóa của mình. Nhiều ngành sản xuất ở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất cao vào Trung Quốc về yếu tố đầu vào như máy móc, vật tư, nguyên vật liệu sản xuất và cả yếu tố đầu ra là thị trường tiêu thụ.
Vài năm trước, có đến khoảng 80% nguyên liệu đầu vào của nhiều DN trong nước phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đến nay, tuy có kéo giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nhập từ Trung Quốc rất nhiều sản phẩm là nguyên liệu đầu vào, máy móc, linh kiện lắp ráp, gia công, máy móc thiết bị phục vụ XK, trang thiết bị cho các dự án đang đầu tư.
Ngoài ra, còn có một nỗi lo khác hiện nay là hàng Trung Quốc được bán qua kênh thương mại điện tử online sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với sự góp mặt của những "ông trùm" thương mại điện tử.
Để giảm bớt sự phụ thuộc này, theo giới chuyên gia, Việt Nam nên sản xuất được và nên có chính sách tích cực sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập từ Trung Quốc. Cán cân thương mại với Trung Quốc cần làm sao để giảm thâm hụt lớn do sự chênh lệch về tốc độ xuất nhập khẩu.
Theo nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể đạt 100 tỷ USD trong năm nay.
Kim ngạch XK sang Trung Quốc trong 8 tháng qua đã đạt gần 24,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nhiều mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất sang thị trường này đạt mức tăng trưởng mạnh như gạo, trái cây, cá tra… Có thể thấy việc giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc có phần đóng góp tích cực từ nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Với kinh nghiệm nhiều năm XK trái cây vào Trung Quốc, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, cho rằng các DN Việt không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc mà cần nhìn nhận đó là thị trường "nóng bỏng". Thậm chí, với các loại thực phẩm nông thủy sản cao cấp như chuối, thanh long, dưa hấu, tôm, cá…, trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo của Việt Nam chứ không phải là thị trường để chúng ta từ bỏ.
Trong chiến lược, của ngành nông sản phải xem đây là thị trường lớn. Vấn đề cần lưu ý ở đây, theo ông Huy, đó là cần có cách tiếp cận khôn ngoan để tiêu thụ được nông sản Việt.
Thế Vinh