Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, bức xúc nói về việc số DN xuất khẩu (XK) cá tra vào Mỹ ngày càng sụt giảm, hiện giờ chỉ còn vỏn vẹn… 3 DN.
Qua tìm hiểu của bà Hạnh, tập đoàn bán lẻ thu mua hàng đầu của Mỹ là Walmart đến nay vẫn chưa mua nhiều hàng hóa ở Việt Nam do còn những trắc trở.
Còn nhiều thua thiệt
Bà Hạnh cho biết qua trao đổi với bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (một trong những DN Việt hiếm hoi bán cá basa cho Walmart) thì được biết phía Walmart không nhập cá basa của công ty này vào bán ở Mỹ mà họ mua để bán lại cho các nước Mỹ La tinh.
Khi được hỏi tại sao lại như vậy, bà Loan cho biết thêm là trong "cuộc chiến" với Hiệp hội cá da trơn của Mỹ, càng ngày XK cá tra và basa càng bị thua thiệt.
Sự thua thiệt của XK cá tra trên thị trường Mỹ phần nào phản ánh còn nhiều thách thức phía trước cho XK thuỷ sản, vốn là ngành chủ lực mang lại nhiều giá trị kim ngạch trong XK nói chung của Việt Nam.
Ngay như XK nông sản, có nhiều thành tích về số lượng từ đầu năm đến nay nhưng không thể thấy thế mà mừng. Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2018 được Bộ Công Thương công bố ngày 9/7 đưa ra nhận định giá XK nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK.
Thực tế, theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá XK một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh, làm giảm kim ngạch XK như cà phê có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6% dù lượng tăng 9,6%.
Hoặc như giá hạt tiêu giảm đến 39,3% làm kim ngạch giảm 35,7% dù lượng tăng 5,9%; giá cao su giảm 21,3% làm kim ngạch giảm 8,3% dù lượng tăng 16,6%.
Tính chung cả nhóm nông sản, thủy sản, giá XK giảm đã làm kim ngạch giảm 431 triệu USD, trong khi lượng XK tăng, góp phần đưa kim ngạch tăng 860 triệu USD.
Nhìn vào tình hình thực tế trên thị trường thế giới vốn có nhiều biến động, giới chuyên gia cho rằng XK của Việt Nam trong các tháng cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Nổi cộm là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm XK của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
"Vòng xoáy" rào cản thương mại là thách thức lớn cho xuất khẩu |
Khơi thông thị trường
Điển hình có thể kể đến như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU). Hoặc như mức thuế chống bán phá giá của Mỹ áp dụng đối với cá tra hay chương trình thanh tra cá da trơn.
Hơn thế nữa, một thách thức lớn cho XK nông sản của Việt Nam là Ủy ban châu Âu (EC) đang siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT).
Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng đã và đang ban hành những quy định về truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm XK của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…).
Chưa kể, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dù được cho là có mang lại chút cơ hội cho XK của Việt Nam vào thị trường Mỹ (chẳng hạn như dệt may), nhưng không có nghĩa là bỏ qua những rào cản thương mại vẫn còn đó, nhất là khi Mỹ đặt nặng về xuất xứ hàng hóa. Trong đó, đáng lo nhất là tình trạng hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, "đội lốt" thương hiệu Việt để xuất sang Mỹ.
Điều này cũng được ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, khuyến nghị là các DN Việt cần hết sức cẩn thận khi kết nối với kênh hàng hóa từ Trung Quốc để không ảnh hưởng đến uy tín ngành dệt may.
Chính vì vậy, như lưu ý của Bộ Công Thương, việc đạt mức XK bình quân 20,45 tỷ USD/ tháng cho 6 tháng cuối năm nay là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường.
Việc này đòi hỏi nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng DN. Điều quan trọng là các DN Việt cần tạo nguồn hàng chất lượng cho XK và cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành để chủ động khơi thông thị trường XK.
Đặc biệt, trong vấn đề rào cản XK, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và hiệp hội DN cần tạo sự kết nối tốt hơn nhằm phối hợp đồng bộ xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.
Có như thế, hàng hóa XK của Việt Nam mới có thể vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài.
Thế Vinh