Báo cáo từ Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF- Bộ KH&ĐT) cho thấy, doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Trong số 668,5 nghìn DN (số liệu năm 2019), DN tư nhân là 647,6 nghìn DN, chiếm 96,88%, đóng góp 15,12 triệu tỷ đồng (57%) tổng doanh thu thuần và thu hút hơn 9 triệu lao động.
E ngại thủ tục "hành là chính"
Đáng chú ý, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN (NCIF), cho biết chỉ riêng nhóm 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) tuy chỉ chiếm 0,089% tổng số DN nhưng đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.
Việt Nam cần đội ngũ doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có năng lực cạnh tranh toàn cầu. |
“Theo đó, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường, và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp”, báo cáo của NCIF nhận định.
Xem xét riêng cho danh mục VPE500 của năm 2019 trong giai đoạn 2016-2019 cho thấy quy mô của VPE500 tăng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp khác. Các VPE500 có tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4%/năm so với khu vực DN tư nhân trong nước nói chung là 5,6%/năm; doanh thu tăng 11,7%/năm so với 6,6%/năm.
Tuy nhiên, NCIF cũng cho biết, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% năm của DN tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.
Điều này cho thấy, việc “nuôi lớn” các DN trong nước đang trở nên rất quan trọng. Ông Thắng dẫn chứng như vùng lãnh thổ Đài Loan chiếm 60% sản phẩm cung ứng chíp toàn cầu vì có một DN lớn bản địa đảm nhận. Hay với Trung Quốc, quốc gia này đã trợ giúp để các doanh nghiệp nội vươn ra bên ngoài. Có 2 kinh nghiệm mà Việt Nam học được, đó là những DN của Trung Quốc ban đầu rất nhỏ, sau khi được trợ giúp của Nhà nước đã hình thành nên DN lớn và đầu tư ra nước ngoài, tận dụng công nghệ để đem về chuyển giao trong nước. Hay với Hàn Quốc, vai trò của chaebol rất rõ ràng khi chiếm 50% tăng trưởng GDP, trong đó 10 chaebol lớn nhất đã chiếm 56% doanh số bán hàng…
Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN phát triển thì việc đầu tiên là cần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đại diện Công ty May Hồ Gươm chia sẻ, DN này đang sở hữu 12 nhà máy ở các tỉnh phía Bắc, phát triển sang ngành hàng khác như nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, trường đại học…
Trong quá trình đầu tư, đại diện May Hồ Gươm cho biết DN còn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính trong giải phóng mặt bằng như chỉ vướng mắc một hộ dân cũng có thể không hoàn thiện thủ tục, khó hoàn tất dự án đầu tư. Bên cạnh đó là những khó khăn trong tiếp cận nguồn lực đất đai, thủ tục thuế quan, vay vốn kinh doanh (ngân hàng siết chặt hạng mục vay, thời gian chờ đợi lâu ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh).
Mặt khác, văn bản giấy tờ không thống nhất, mỗi địa phương có thủ tục khác nhau, rườm rà, DN phải đi lại nhiều lần nên chi phí đội lên cao. DN tư nhân không thể phát triển được nếu môi trường kinh doanh có quá nhiều hạn chế.
Ngoài ra, đại diện May Hồ Gươm cho biết thực hiện thủ tục còn thiếu thống nhất, thời gian kéo dài. Hay nói nôm na là còn tình trạng thủ tục hành chính “rải thảm ở trên nhưng rải đinh ở dưới”.
Chặn nguy cơ DN lớn chèn ép nhỏ
Trước thực tế trên, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho rằng cần phải có chính sách “nuôi lớn” DN Việt Nam. Hiện, ngay cả DN lớn có bước phát triển nhưng để đạt tầm cỡ khu vực, thế giới thì chưa có. Bên cạnh đó, đề cập tới DN tư nhân cần nhấn mạnh thêm tới cộng đồng DN nhỏ và vừa - đối tượng đang đứng ngoài chuỗi sản xuất của các DN tư nhân lớn cũng như DN FDI.
Để DN tư nhân lớn lên, bà Thủy cho rằng, Nhà nước phải có hành động cụ thể. Ví dụ chính sách ưu đãi FDI là nếu có tác động lan tỏa thì được thêm ưu đãi, trong khi lại chưa có chính sách tương tự như vậy với DN tư nhân lớn trong nước. Do vậy, Nhà nước nên có hỗ trợ cho các DN tư nhân lớn làm đầu chuỗi có tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa trong nước tham gia.
Về câu hỏi nên có chính sách riêng cho DN tư nhân lớn hay không, đại diện Cục Phát triển DN đánh giá trong nền kinh tế, DN lớn có vai trò của mình và DN nhỏ cũng có vai trò riêng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu thì DN nhỏ buộc phải từng bước lớn lên, và chính sách phải làm sao để “ông lớn không chèn ép ông nhỏ và ông nhỏ phải chịu lớn lên".
Thực tế, Báo cáo VPE500 cũng cho thấy tốp 500 DN lớn có tác động lan tỏa về năng suất và lương tới các DN tư nhân trong nước, song có thể tạo ra tác động chèn lấn nhất định với DN tư nhân trong nước.
Cụ thể, khảo sát của NCIF cho hay, VPE500 trong cùng ngành có tác động tiêu cực về năng suất lao động tới các DN tư nhân khác. Khi quy mô của khối VPE500 tăng khoảng 1% làm cho năng suất lao động của DN tư nhân khác giảm đi 0,9%, cho thấy cạnh tranh giữa hai nhóm DN là khá gay gắt. DN tư nhân trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do cạnh tranh lao động, nguồn lực và thị trường với VPE500.
Ông Thắng đánh giá, các DN lớn thường lấn át các DN nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, và trong nhiều năm qua, các DN nhỏ ít tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước.
Do vậy, về chính sách hỗ trợ DN tư nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặc biệt lưu ý tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thực thi hiệu quả. Theo đó, cũng cần phải tính đến chuyện DN lớn dùng quan hệ thân hữu với cán bộ nhà nước để tiếp cận nguồn lực. Điều này cho thấy, nếu thiết kế chính sách không tốt sẽ tạo cơ hội cho DN lớn “loby chính sách”.
“Thẳng thắn mà nói, có DN lớn đưa ra những viễn cảnh về quy hoạch rất đẹp như làm đường, đảm bảo công ăn việc làm… khi nhận dự án, nhưng đến khi thực hiện thì quay lưng đòi hỏi ưu đãi này, ưu đãi kia. Sau đó để dự án treo nhằm xin chính quyền thêm ưu đãi”, bà Lan nói.
Ông Lương Văn Khôi Phó Giám đốc NCIF Khu vực tư nhân ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù được khẳng định là khu vực quan trọng, số lượng DN gia nhập thị trường tăng nhanh nhưng nhưng phát triển không đồng đều, đa phần các DN ở quy mô nhỏ, năng suất thấp. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng đội ngũ DN lớn mạnh, vươn ra thế giới thay vì chỉ tập trung vào phát triển số lượng. Bên cạnh đó, cũng cần trả lời những câu hỏi: Làm gì để đẩy mạnh liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ, DN trong nước với DN FDI? PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng Đại học Kinh tế Quốc dân DN lớn thì phải có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Để DN phát triển được hay không thì phải có cơ chế, tháo gỡ kịp thời khó khăn. Bên cạnh đó, thế giới đang ở trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với đổi mới sáng tạo, điều này cũng rất cần thiết với các DN Việt Nam. Trong thời gian tới, Nhà nước có thể nghiên cứu chính sách ưu đãi dựa trên những chỉ tiêu đổi mới, sáng tạo mà các DN đã và đang thực hiện, nếu không gắn với đổi mới thì không được ưu đãi. Ông Nguyễn Đoàn Kết Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Phấn đấu đến năm 2030, Rạng Đông sẽ gia nhập hội DN tỷ đô và đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, DN không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số và đang sở hữu 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển: Lighting R&D Center; Digital R&D Center và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thương mại hóa Hệ sinh thái sản phẩm 4.0 (C4LED). Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công thì không chỉ cần chuyển đổi về công nghệ mà còn về con người gắn với đổi mới sáng tạo, tạo sự khác biệt cho chính mỗi sản phẩm làm ra. Theo đó, Nhà nước cần tạo ra môi trường kết nối giữa DN với nhà khoa học, viện, trường, đồng thời kết nối chính các DN với startup trong lĩnh vực công nghệ để thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là quá trình tốn kém nên cần nguồn lực hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. |
Lê Thúy