Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, về điều kiện dịch tễ cho khách vào Việt Nam, theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, các điều kiện đã được nới lỏng hơn khi chỉ yêu cầu hộ chiếu vaccine, có kết quả PCR trước 72 giờ, cũng như thời gian cách ly đã được giảm xuống. Đây là những điều kiện thuận lợi tạo bước đệm để tăng cường lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Triển khai các chế độ visa như trước năm 2020
Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm là chính sách miễn visa song phương đơn phương sẽ được trình Chính phủ phê duyệt trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những nước được miễn visa song phương và đơn phương, các cơ quan có thể nghiên cứu mở rộng thêm với các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Thời hạn visa với một số nước có thời hạn 15 ngày, có thể kéo dài thêm thành 30 ngày.
Việt Nam sẽ chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. |
Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói rằng, về vấn đề visa, chúng ta đã quy định dừng lại tất cả các việc cấp visa cho khách khi bắt đầu có dịch bệnh, điều đó là rất đúng, rất cần thiết. Nhưng đôi khi hơi quá chặt chẽ, quá nặng nề, có trường hợp không cần thiết.
Dù rằng chúng ta có thể ban hành một loạt chính sách căn cứ vào các tiêu chí, nhưng chính sách nào thì cũng không thể bỏ qua được quá khứ đã làm từ trước năm 2020, khi đó, du lịch đã đạt được đỉnh cao vào năm 2019. Nếu chúng ta ban hành một chính sách mới mà lại mâu thuẫn với những hoạt động trước đó, thì sẽ không thể thực hiện được.
“Cho nên, chúng tôi đề nghị một điều rất đơn giản, là hãy triển khai các chế độ visa của Việt Nam như trước năm 2020, những nước nào miễn visa song phương thì tiếp tục miễn, nước nào miễn đơn phương cũng vẫn cứ miễn. Trong khi chúng ta cần khôi phục mà lại đưa ra chính sách khó hơn cả trước thì rất khó để hồi phục". - ông Bình nói.
Theo ý kiến của các chuyên gia du lịch, trong lúc Việt Nam đầy khó khăn, 2/3 doanh nghiệp không hoạt động, lao động nghỉ hoàn toàn mà đưa ra các chế độ thực hiện Visa theo quy định mới sẽ khó khăn cho du lịch.
Thực tế thì tất cả các nước đều đang tạo điều kiện tốt nhất cho du khách, ví dụ Indonesia miễn visa cho 157 nước, các nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn nhiều hơn.
“Chúng tôi không có đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020 và đó cũng là kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp du lịch hiện nay”, ông Bình nhấn mạnh.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực mới
Đề phục vụ luồng khách nội địa và khách quốc tế, ngành du lịch cần chuẩn bị điều kiện để nâng cao chất lượng phục vụ là rất quan trọng. Thời gian vừa qua, lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số lượng lao động quay lại làm việc thấp dẫn tình trạng phải làm việc luân phiên, đổi ca…
Do đó, việc đào tạo nhân lực là một khâu quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam kiến nghị, từ phía Nhà nước cùng cần có chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính.
"Thị trường lao động của ngành du lịch khi mở cửa thì sẽ có rất nhiều nhu cầu và nếu có một mức lương, điều kiện thỏa đáng, chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các lĩnh vực khác sang ngành du lịch".
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Hiện tại, Nghị quyết 68 có hiệu lực từ 7/2021 đã nhắc đến vấn đề này, nhưng từ thời điểm đó cho đến nay, hoạt động du lịch mới từng bước khôi phục trở lại dẫn tới công tác đào tạo nâng cao nhân lực để được hưởng chính sách này chưa diễn ra. Tuy nhiên, tháng 6/2022 tới chính sách này sẽ kết thúc.
"Mặc dù thực tế có một vài khách sạn đã triển khai chính sách này, nhưng về cơ bản vẫn còn nhiều khách sạn vẫn chưa thực hiện được. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc kéo dài thêm hiệu lực của chính sách để có thêm kinh phí hỗ trợ cho người lao động cho những năm tiếp theo", bà Khanh đề xuất.
“Với tư cách là một chuyên gia trong vấn đề lao động, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thị trường lao động của ngành du lịch khi mở cửa thì sẽ có rất nhiều nhu cầu và nếu có một mức lương, điều kiện thỏa đáng, chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các lĩnh vực khác sang ngành du lịch.
“Nhưng ở đây có một vấn đề là hiện nay các lao động trong ngành du lịch trước khi đại dịch thì người lao động cũng đã trở về quê và chưa trở lại hoạt động kinh doanh. Còn lao động ở những khu vực không có vùng dịch thì cũng chỉ hoạt động cầm chừng, ở 50-60%”, bà Lan Anh nói.
Trong thời gian tới, khi chính thức mở cửa hoạt động dịch vụ, kinh doanh, làm thế nào để thu hút lại được lực lượng lao động cũng là một bài toán, đồng thời làm sao để thu hút họ, giúp họ quay trở lại làm việc. Nghị quyết 68/NĐ-CP và Quyết định 23/QĐ-CP của Chính phủ trong việc làm thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì đại dịch, đặc biệt có nội dung liên quan đến đào tạo và đào tạo lại. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch đào tạo mới khi nhiều người chuyển sang ngành khác và không quay lại ngành du lịch nữa, đồng thời tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ.
Hiện nay, theo số liệu mới đã cập nhật được từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, chương trình liên kết đào tạo mà các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập đến với con số kiến nghị mới chỉ giải ngân được thực tế 5,44 tỷ cho một số tỉnh như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,... trong khi trên thực tế, đã thông qua hồ sơ của 45 đơn vị sử dụng lao động cho 4.644 lao động.
Được biết, hiện trong lĩnh vực du lịch chỉ có một doanh nghiệp là khách sạn Mường Thanh đã làm việc với Tổng cục Du lịch để thực hiện chương trình này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Nhà nước có thể hỗ trợ cho lao động trong lĩnh vực du lịch, để triển khai các chương trình còn rất khó khăn?
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, sau ngày 15/3, các doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh việc này hơn.
Rõ ràng, để ngành du lịch thực sự hồi sinh, sẵn sàng đón khách quốc tế, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.
Trà My