Thời gian gần đây, trước thực trạng liên kết vùng còn là khâu yếu, Thủ tướng đã chủ trì hàng loạt hội nghị nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này, như: Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, Hội nghị giao ban Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị về phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên…
DN khốn khổ với thủ tục hành chính
Nhấn mạnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó khăn thách thức đan xen nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời cơ, nguy cơ đều có, trong nguy cơ có cơ hội để Việt Nam, nhất là vùng KTTĐ, phát triển.
Do đó, cần có phương thức quản lý mới để phát triển vùng. Việc rà soát, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển các vùng KTTĐ là một yêu cầu quan trọng, cấp bách; tạo khả năng đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Riêng về vùng KTTĐ Bắc bộ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của vùng trong 3 năm qua đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng KTTĐ, trong đó nổi bật nhất là Hải Phòng đạt 14,57%/năm.
Tuy nhiên, vùng KTTĐ Bắc bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Hải Dương, Hưng Yên.
Doanh nghiệp (DN) trong nước của vùng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chỉ đạt khoảng 10,27 tỷ đồng/DN, thấp hơn vùng KTTĐ phía Nam (10,72 tỷ đồng). Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án FDI của vùng là 10,5 triệu USD, thấp hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (12,2 triệu USD).
Bên cạnh đó, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước chưa cao, mức độ nhận chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi giá trị của DN trong nước còn thấp.
Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân là do chưa hình thành rõ ràng thể chế liên kết vùng hiệu quả với cơ chế điều phối đủ mạnh để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng hoạt động. Hội đồng vùng KTTĐ Bắc bộ không phải là một cơ quan chuyên trách, có chức năng quản lý nhà nước, chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không có nguồn lực để hoạt động và điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa được “trao quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính kết nối, liên kết các địa phương.
Chính vì lẽ đó, hoạt động của Hội đồng vùng phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy các cơ quan trung ương và địa phương, mức độ hoạt động mới dừng ở công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của các cơ quan liên quan và địa phương trong vùng.
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, chỉ rõ nhiều bất cập về cơ chế chính sách đang cản trở hoạt động kinh doanh của DN. Nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục nhưng không cắt giảm thời gian làm thủ tục. Nhiều địa phương đang lúng túng hướng dẫn các dự án lớn. Nhiều địa phương lại có cách hiểu khác nhau, thậm chí ngay cả trong mỗi địa phương cũng có cách hiểu khác nhau về thủ tục đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng thời, hiện quy định trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở đang lệch pha nhau; nhiều địa phương xếp hàng lên Bộ xin ý kiến, ảnh hưởng tới các DN. Có DN phải mất đến 3 tháng mới lấy được văn bản của Bộ. Thậm chí, có những DN phải đợi đến một năm mới lấy được văn bản hướng dẫn, cho ý kiến của liên Bộ.
Bà Dung kiến nghị, khi địa phương có vướng mắc cần xin ý kiến các bộ ngành thì các bộ ngành nên ra văn bản nhất quán cho các địa phương khác có thể sử dụng khi gặp những trường hợp tương tự. Với những vấn đề cần ý kiến liên Bộ, các Bộ nên có sự phối hợp để cùng ra văn bản, để DN không phải đi lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, chi phí thực hiện thủ tục hành chính vùng KTTĐ Bắc bộ đang cao so với mặt bằng chung cả nước cũng như khu vực phía Nam.
Đơn cử, nhóm thủ tục xây dựng ở vùng KTTĐ Bắc bộ đang cao gấp hơn 2 lần trung bình toàn quốc. Trong đó, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.
Thủ tướng tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tại Hội nghị ngày 25/6 |
Thành lập bộ phận chuyên trách quản lý
Trong khi đó, Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, chỉ rõ nhược điểm rất lớn kể cả đầu tư nước ngoài và trong nước hiện nay là không có vóc dáng nào của vùng liên kết trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất.
Hiện có rất nhiều KCN nhưng khu nào cũng giống nhau, tương tự nhau, dẫn đến cạnh tranh, triệt tiêu nhau. Sắp tới, cần phân công có KCN riêng biệt để phát triển ở địa phương, có KCN chuyên biệt theo chuỗi giá trị như KCN dệt may, KCN công nghệ cao, thông tin.
Đặc biệt, ông Mại kiến nghị nên có bộ phận chuyên trách về vùng từ vài ba chục người chuyên trách do một Thứ trưởng đảm nhận, để đảm bảo tạo cơ chế cho các vùng phát triển, với chương trình hành động cả năm. Đồng thời, hàng năm, các chủ tịch tỉnh có thể sắp xếp một buổi ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề đặt ra. Cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để giải quyết những tồn tại, bức xúc.
Đi vào kiến nghị cụ thể, ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho rằng vai trò Chính phủ rất quan trọng trong xây dựng nhân lực chất lượng cao, phát triển DN. Trong đó, Chính phủ cần có cơ chế để DN trong và ngoài nước, lớn, nhỏ cạnh tranh công bằng trong thời đại 4.0.
“Mỹ và Hàn Quốc đã xây dựng chính sách và luật lệ để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút nguồn lực, chống lôi kéo hoặc sử dụng các hình thức lôi kéo chất xám của nhau. Nếu làm được như vậy, chúng tôi tin chính sách này sẽ giúp các DN nước ngoài vững tin hoạt động ở Việt Nam”, đại diện Samsung nói.
Trong khi đó, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, cho rằng tiềm năng xuất khẩu ô tô của Việt Nam ngày càng lớn, nhất là khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEPT…
Kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến cho thấy chính sách về thuế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cần cởi mở để ngành công nghiệp ô tô – xe máy phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn thiếu chính sách cho xe máy điện, bus điện – sản phẩm thân thiện với môi trường.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Chính phủ chủ trương tổ chức các hội nghị về từng vùng KTTĐ để phân tích, lắng nghe, đánh giá kỹ, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững từng vùng và cả nước. Trong đó, đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng, đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả. Vì vậy, cần có cơ chế để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Vùng KTTĐ cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, minh bạch, có khả năng dự báo và cạnh tranh công bằng; đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư; tạo thuận lợi triển khai các hoạt động đầu tư, đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế về quản lý đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ chế đối thoại chính sách với DN: đối thoại diện rộng hoặc các cơ chế đối thoại chuyên ngành, như: thuế, hải quan, ngân hàng… Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - Hương Trần Kiều Dung Thực tế hiện nay có nhiều ý kiến của DN gửi tới liên Bộ nhưng không có phản hồi, điều này gây cho chúng tôi hết sức khó khăn. Việc DN phải chờ đợi văn bản trả lời trong một tháng, vài tháng ở Bộ là không hiếm, thậm chí có trường hợp mất cả năm. |