Sáng nay 19/3, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ KH&ĐT phối hợp với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh”.
VBF 2024 được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều xu thế mới, phát triển mạnh mẽ, trong đó tăng trưởng xanh đã trở thành một xu thế tất yếu, một nhân tố không thể thiếu của phát triển bền vững.
Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng sẽ vừa là đối tượng vừa là chủ thể chủ động tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chủ trương xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Doanh nghiệp FDI phải tiên phong hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng ESG trong sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá: "Chúng ta vừa trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ và khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao", ông nói.
Năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra; tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế tương đương 430 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.423 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%. Trong đó vốn FDI giải ngân ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 36,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng 32,1% so với năm trước.
Theo Bộ trưởng Dũng, những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, là minh chứng mạnh mẽ khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
"Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới", ông Dũng đánh giá. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
"Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh.
Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Định hướng tăng trưởng xanh chính là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.
Thy Lê