Theo nhận định mới đưa ra từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng tiêu dùng trong quý 4/2022 sẽ chậm hơn giai đoạn quý 2 và quý 3.
Nhiều yếu tố gây chậm
Theo đó, tăng trưởng của các mảng đã bắt đầu chậm lại so với các tháng trước. Một phần do đáy tiêu dùng rơi vào tháng 8/2021 (cao điểm của làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 tại Việt Nam) khiến cho nền so sánh trong tháng 9 không còn thấp như trong tháng trước đó.
Cũng theo BVSC, tăng trưởng của thương mại bán lẻ sẽ hạ nhiệt nhanh trong các tháng còn lại của năm 2022, một phần do mức nền so sánh trong quý 4/2021 đã cao hơn nhiều so với quý 3.
Tăng trưởng tiêu dùng trong quý 4/2022 được dự báo sẽ chậm hơn so với giai đoạn quý 2 và quý 3. |
“Ngoài ra, việc nền kinh tế thế giới đối diện nguy cơ suy thoái cũng sẽ tác động tiêu cực tới du lịch của Việt Nam, trong khi lạm phát của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tăng dần, và có thể vượt 4% YoY (tăng trưởng qua từng năm) trong các tháng cuối năm, cũng sẽ gây khó khăn đối với tăng trưởng tiêu dùng”, Bộ phận phân tích của BVSC nêu.
Dù vậy, gói giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài tới cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023 tới sớm ngay trong tháng 1/2023 vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2022, đặc biệt trong tháng 11 và tháng 12 tới. BVSC dự báo tăng trưởng thương mại bán lẻ trong cả năm 2022 sẽ ở khoảng 15-18%.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, tăng trưởng tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi mối quan ngại của người tiêu dùng đang nằm ở chi phí sinh hoạt. Nhất là giá cả của nhiều loại hàng hoá chưa thật sự hạ nhiệt như mong đợi, trong khi thị trường xăng dầu vẫn còn bất ổn.
Mặt khác, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh trong nước tuy có tăng nhưng khối lượng mua vẫn còn ở mức thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao như điện máy, vàng bạc nữ trang, hàng công nghệ lại cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.
Trong khi đó, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm lại đây và tăng 14,2% so với 9 tháng năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).
Mặc dù vậy, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước tính chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tham vọng lớn của khối ngoại
Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc giảm giá xăng dầu liên tiếp nhiều lần trong thời gian qua sẽ kéo theo xu hướng giảm giá hàng hóa trong nước, kích thích tiêu dùng hàng hóa trên thị trường. Tuy vậy, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Giải pháp chủ yếu mà Bộ này đề ra cho các địa phương trong 3 tháng cuối năm nay là theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Nhất là khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt, qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Trong khi tăng trưởng tiêu dùng được dự báo có thể sẽ chậm hơn so với các quý trước đó thì hôm 9/10 trên ấn phẩm Nikkei Asia của Nhật Bản có đưa ra thông tin tập đoàn bán lẻ Aeon dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm.
Nhà bán lẻ này đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng khác tại Việt Nam nhằm thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Aeon hiện có kế hoạch nâng số lượng siêu thị tại Hà Nội lên 100 vào năm 2025, gấp khoảng 10 lần con số hiện tại. Số lượng trung tâm thương mại cũng sẽ tăng gần gấp 3 lên 16 trên khắp cả nước.
Ngoài ra, theo Nikkei Asia, nhà bán lẻ Central Retail của Thái Lan cũng có kế hoạch tăng gấp đôi “dấu chân” của họ tại Việt Nam, tham gia vào hàng dài các công ty bán lẻ đa quốc gia tại một thị trường được cho là đầy hứa hẹn với biên độ tăng trưởng rộng.
Số liệu mà Nikkei có được cho thấy Central Retail công bố kế hoạch chi ra ước tính khoảng 30 tỷ Bath, tương đương 790 triệu USD để mở rộng mạng lưới lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026 từ con số 340 hiện tại.
Kế hoạch mở rộng của 2 tập đoàn hàng đầu nêu trên càng cho thấy ngành bán lẻ trong thời gian tới sẽ tiếp tục là cuộc đua đầy khốc liệt của những tên tuổi lớn ở thị trường bán lẻ đầy triển vọng như Việt Nam.
Nhất là theo khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện cách đây 2 tháng cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch dù vẫn còn sự phân hóa giữa các ngành hàng.
Giới phân tích cho rằng giữa bối cảnh có sự dịch chuyển rất lớn về hành vi mua sắm của người tiêu dùng thì ngành bán lẻ ở Việt Nam đang tiếp tục bước vào giai đoạn mới cuộc đua giành thị phần. Để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng đã thay đổi sau dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ nội lẫn ngoại đã tái cấu trúc và thay đổi mô hình của điểm bán. Những mô hình cũ với chi phí tài chính cao sẽ khó có cơ hội để cạnh tranh.
Và thách thức lớn cho các nhà bán lẻ nội địa so với các đối thủ ngoại vẫn là quy mô lượng vốn thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn. Điều này sẽ phần nào hạn chế khả năng mở rộng mạng lưới của một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực mỏng trước tham vọng từ Aeon hay Central Retail.
Thế Vinh