Nhận định về tình hình thị trường tiêu dùng trong thời gian tới, nhất là quý 4/2022, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo, theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Bibica, sẽ khá khó khăn, nhiều thách thức.
Khó khăn nhìn từ mảng bánh kẹo
Đặc biệt là khi giá đầu vào vẫn đang neo ở mức cao dù cho một số nguyên liệu đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Chẳng hạn như trong ngành bánh kẹo thì giá bột mì, đường, trứng… vẫn rất cao.
“Khi giá nguyên liệu đầu vào duy trì mức cao trong thời gian dài, gần như thiết lập một mặt bằng giá mới, các DN nào vượt qua được 3 quý đầu năm nay thì đến quý 4 sẽ dễ dàng hơn trong việc hoạch định các vấn đề hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, sẽ tương đối rõ ràng và ít có yếu tố biến động”, ông Hoàng nói.
Người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm để thích nghi với áp lực lạm phát, đòi hỏi các DN trong ngành hàng FMCG cần tìm hướng đi mới để giữ vững thị phần. |
Trao đổi với VnBusiness, Tổng giám đốc Bibica bày tỏ hy vọng diễn biến thị trường chung trên thế giới hoặc cuộc xung đột Nga - Ukraine không trầm trọng hơn khiến chuỗi cung ứng đứt gãy trở lại. Còn thực tế hiện tại, mọi việc đang được kết nối lại, trở về trạng thái bình ổn. "Thực ra khó hy vọng để có thể trở lại như trước đây, nhưng mong là đừng có quá nhiều biến động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN", ông Hoàng chia sẻ.
Theo Tổng giám đốc Bibica, với các DN bánh kẹo nói chung thì thị trường chính vẫn nằm ở vùng nông thôn (chiếm đến 70% thị phần), còn thành thị chỉ chiếm 30%. Bởi lẽ, cơ cấu dân số của Việt Nam vẫn nằm ở vùng nông thôn nhiều hơn.
“Người ở vùng nông thôn cũng ít có sự lựa chọn hơn về mặt sản phẩm bánh kẹo và đối với họ, món quà bánh kẹo vào dịp cuối năm vẫn rất phù hợp. Với người thành thị lại có nhiều sự lựa chọn nên việc chọn mặt hàng bánh kẹo sẽ ít hơn”, ông Hoàng phân tích.
Hiện nay, các DN bánh kẹo vẫn đang hy vọng sản lượng tiêu thụ tăng mạnh sau đợt Tết Trung thu năm nay cho đến Tết Nguyên Đán 2023 khi mà thị trường bánh kẹo Việt Nam còn có tính chất mùa vụ khá rõ nét.
Tuy vậy, sau tác động mạnh của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt có khuynh hướng quan tâm hàng đầu đến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, còn bánh kẹo chỉ là thứ yếu. Cho nên, trong chi tiêu của người tiêu dùng dù ở nông thôn hay thành thị, hàng bánh kẹo không được đưa vào khoản tiêu dùng chính mà hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập.
Chính vì thế, bất cứ một sự biến động nhỏ nào trong thu nhập của người dân cũng khiến doanh thu của các công ty bánh kẹo bị ảnh hưởng. Ngoài thách thức về sức mua, các DN nội địa hàng đầu trong mảng bánh kẹo như Kido, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà, Phạm Nguyên, Hải Châu được cho là sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc cạnh tranh giành thị phần khốc liệt với các đối thủ ngoại như Mayora, Mondelez, Orion, Nabati, Lotte, Kraft, Liwayway, URC…
Tìm hướng đi mới để giành thị phần
Thời gian qua, sự xuất hiện “ồ ạt” của các sản phẩm bánh kẹo ngoại trên thị trường đã lấn át sản phẩm trong nước cùng loại. Từ sức ép cạnh tranh này, đòi hỏi các DN bánh kẹo nội địa phải đổi mới, tìm hướng đi mới để giành thị phần. Điểm lợi thế cạnh tranh của bánh kẹo nội địa trong lúc này có thể là giá bán thấp hơn so với các sản phẩm ngoại, quen thuộc hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Còn về xu hướng phát triển ngành hàng FMCG nói chung trong quý 4/2022, giới phân tích nhận định các nhà sản xuất đang thực hiện những thay đổi trong chiến lược của mình với mục đích thích ứng với lạm phát.
Một số DN lớn trong ngành hàng này đang cơ cấu lại mạng lưới phân phối, cơ cấu danh mục sản phẩm hoặc chuyển dịch nguồn lực kinh doanh để tiếp cận hành vi mới của người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay có những thời điểm ngành hàng FMCG đã chứng kiến mức lạm phát tăng cao (gần 7%), ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và thương hiệu. Người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm để thích nghi với áp lực lạm phát.
Lạm phát gia tăng tác động tới giá bán và chi phí đầu vào của các DN trong ngành FMCG. Tác động tăng chi phí đầu vào cũng buộc các DN trong ngành phải tăng giá bán bình quân. Còn người tiêu dùng cũng đã cảm nhận được sức nóng của giá cả tăng lên.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hoàng, Bibica đã có đợt điều chỉnh giá tăng trong khoảng 5 - 10% hồi tháng 6/2022. Giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ cuối năm ngoái, nhưng với mảng bánh kẹo sau dịp Tết Nguyên đán 2022 lại là mùa thấp điểm, cho nên không thể nào điều chỉnh lại ngay mà phải cân đối giữa các yếu tố về tình hình mãi lực, sức mua với hiệu quả kinh doanh.
“Nếu tính bình quân tất cả các chi phí nguyên liệu đầu vào của công ty đã tăng vào khoảng 20 - 25% so cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, phải đến quý 3/2022, chúng tôi mới có sự khởi sắc rõ rệt, còn trong quý 4/2022 thì mọi thứ có vẻ nằm trong tầm kiểm soát tốt hơn”, ông Hoàng bộc bạch.
Ngoài những thách thức trong khoảng thời gian cuối năm như nêu trên, xét về dài hạn, giới chuyên gia cho rằng ngành hàng FMCG vẫn được cho là sẽ tăng trưởng bền vững, được hỗ trợ bởi những người dưới 40 tuổi - là những người ưa thích các sản phẩm FMCG nhiều hơn những nhóm người khác - chiếm hơn 60% tổng dân số Việt Nam.
Hơn nữa, mức tiêu thụ FMCG ngày càng tăng ở khu vực nông thôn cũng là một yếu tố sáng giá. Theo đó, những công ty có mạng lưới phân phối bao phủ cả nông thôn và thành thị sẽ có hiệu quả hoạt động tốt hơn các công ty cùng ngành.
Mặt khác, để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần trên thị trường FMCG, các DN nội địa cần có sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ để đưa ra những chính sách bán hàng linh hoạt và phù hợp hơn, cũng như khuyến khích người tiêu dùng thúc đẩy hành vi mua sắm, tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.
Thế Vinh