Nhìn vào biểu đồ phát triển các kênh mua sắm ở Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết kênh online trong 3 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước đã tăng trưởng đến 94% về mặt giá trị.
Tín hiệu tích cực
Theo bà Nga, hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đang diễn ra rất nhanh nếu so với trước đây, một phần đến từ tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc phát triển kênh online ở Việt Nam hiện không chỉ có những sàn thương mại điện tử (TMĐT) chính thống mà còn có mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Instagram…) có quy mô không thua gì các sàn trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee…
Các DN Việt muốn bán được hàng thông qua kênh online thì phải có sự thay đổi về giá trị |
Còn ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Lương Đăng Sơn, Giám đốc CTCP cung ứng thực phẩm sạch Sài Gòn (SagoFood), cho biết: Người tiêu dùng đang mua hàng online nhiều hơn sau đại dịch.Vì vậy chúng tôi đang phát triển thế mạnh của mình là tập trung bán hàng online, khai thác ở các kênh như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada...để giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn.
Công ty của ông Sơn hiện có hơn 2.000 điểm bán online để dễ dàng thu hút người mua ở kênh bán hàng trực tuyến tiện lợi này. Mặt khác, công ty này còn tập trung quảng bá vào một kênh khá mới mẻ trên mạng xã hội là Tiktok nhằm thu hút các khách hàng trẻ.
“Những thông điệp mà DN truyền tải trên Tiktok có sức lan toả, thu hút cả triệu người xem, nhất là giới trẻ.Việc quảng cáo trên kênh này khá hiệu quả khi thu hút nhiều người xem là giới tiêu dùng trẻ, trong đó có cả trẻ em và các bậc phụ huynh”, ông Sơn nói.
Thông tin đưa ra tại diễn đàn toàn cảnh về TMĐT Việt Nam năm 2020 diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần rồi cho thấy “lĩnh vực TMĐT chứng kiến hai tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025”.
Thứ nhất, dịch Covid-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.
Thứ hai, các DN kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ hai của năm 2020.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), các DN này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.
Mạng xã hội vẫn là kênh hiệu quả nhất
Tuy nhiên, thách thức của TMĐT vẫn còn ở phía trước. Một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa TMĐT ở Hà Nội và Tp.HCM với các địa phương còn lại.
Trong báo cáo về chỉ số TMĐT năm 2020 có cho biết mạng xã hội vẫn được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất trong quá trình hỗ trợ DN kinh doanh bán hàng trực tuyến (40% DN tham gia khảo sát đánh giá cao hiệu quả bán hàng thông qua mạng xã hội ( lớn hơn rất nhiều so với các kênh còn lại).
Tiếp theo đó là hiệu quả bán hàng thông qua website của DN (26%), thông qua ứng dụng di động (20%) và thông qua sàn TMĐT (19%). Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ DN nhận đơn đặt hàng thông qua các sàn TMĐT tăng cao nhất, từ 13% năm 2018 lên 19% trong năm 2019.
Bên cạnh bức tranh sáng của TMĐT thì giới chuyên gia cho rằng mục đích bán hàng, sử dụng mạng online của các tổ chức, DN là muốn tiếp cận hàng triệu người cùng một lúc. Thế nhưng, làm sao để DN tăng trưởng từ thị trường online là một vấn đề cần phải giải quyết.
Theo đó, bản chất sàn TMĐT là tăng giá trị, DN muốn bán được hàng thông qua kênh online thì phải có sự thay đổi về giá trị, có thể giá thành phải bán thấp hơn, hạ giá sâu…để đẩy doanh số.
Mặt khác, kênh online mới giải quyết được vấn đề về nhãn quan chứ chưa giải quyết được vấn đề trải nghiệm cho khách hàng. Như vậy, khách hàng tìm thấy sản phẩm trên các website, sàn thương mại điện tử… nhưng cuối cùng họ vẫn mong muốn đến trực tiếp tại các điểm bán ngoại tuyến (offline) để trải nghiệm sản phẩm thực tế.
Các chuyên gia cũng lưu ý là hàng triệu DN Việt như “hàng triệu chiến binh trên chiến trường kinh tế số” nhưng chưa có đủ kỹ năng “cầm gươm, múa giáo” trên các nền tảng số hay phát triển website hoặc ứng dụng di động.
Do đó, cần khích lệ hàng triệu DN trong nước đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực TMĐT, xem đây yếu tố then chốt quyết định sự tăng trưởng nhanh và bền vững của TMĐT Việt Nam giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Ở mức cao hơn, nhiều DN đã kinh doanh ổn định và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường TMĐT vẫn thấy tương lai u ám trong cuộc cạnh tranh nếu không ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là triển khai dự án Quản trị nguồn lực DN (ERP).
Nhất là, dù có kế hoạch triển khai bài bản, chi phí lớn về nguồn lực và thời gian triển khai dài, thì ngay ở những nước phát triển tỷ lệ DN thất bại khi triển khai ERP lên tới 30%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn nhiều và có thể lên tới trên 70%.
Thế Vinh