Hiện, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và xây dựng trình Chính phủ dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2012/UBTVQH13 về ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Đối với nhóm khoáng sản kim loại: tăng mức thuế suất với sắt từ 12% lên 14%. Dự kiến số thu thuế tài nguyên sắt sẽ khoảng 166 tỷ đồng, tăng 23,7 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Đề xuất tăng thuế suất với titan từ 16% lên 18%. Thuế suất đất hiếm tăng từ 15% lên 18%. Thuế suất với vàng tăng từ 15% lên 17%. Dự kiến số thu thuế từ vàng khoảng 75 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với số thu 2014. Còn Wonfram, antimoan cũng tăng từ 18% lên 20% (bằng mức tăng với vàng và titan); đồng tăng thuế suất từ 13% lên 15%, dự kiến số thu thuế với đồng khoảng 128 tỷ đồng, tăng 17,1 tỷ đồng so với số thu năm 2014. Măng-gan cũng tăng từ 11% lên 14%; chì, kẽm tăng từ 10% lên 15%; bạch kim, bạc, thiếc tăng từ 10% lên 15%; đất hiếm tăng từ 15% lên 18%.
Với nhóm khoáng sản không kim loại: Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất tài nguyên đối với đá hoa trắng từ 9% lên mức trần 15%. Thuế suất với cát thủy tinh tăng từ 13% lên mức trần 15%; granite tăng từ 10% lên 15%; đất làm gạch tăng từ 10% lên 15%; than tăng từ 7% lên 10% và từ 9% lên 12%; nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai tăng từ 8% lên mức trần 10%. Riêng nhôm, bauxite, đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế tài nguyên đối với bauxite như hiện hành (12%). Niken cũng được đề nghị giữ mức thuế suất như hiện hành (10%).
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế suất tài nguyên như trên, số thu thuế sẽ tăng khoảng 3.171 tỷ đồng so với số thu năm 2014, từ ngày 1/1/2017 tăng thêm 70,3 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành Nghị quyết bắt đầu từ ngày 1/1/2016.
Khánh Phú