Tại buổi Tọa đàm chính sách quý II với chủ đề: “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 9/5, các chuyên gia cho rằng giải pháp tăng thuế của Bộ Tài chính lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng về lâu dài, những tác hại rất khó lường. Gánh nặng thuế phí tăng cao làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Gánh nợ từ chi thường xuyên
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) quý I/2018 ước đạt 290.000 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển 35.300 tỷ đồng, chiếm 12,1%, chi trả nợ lãi 31.400 tỷ đồng (10,8%), chi thường xuyên 222.550 tỷ đồng (76,7%).
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế mới khiến thâm hụt nguồn thu ngân sách nhưng chi ngân sách, nợ công tăng cao như hiện nay, trong chưa đầy một năm, Bộ Tài chính đã ba lần sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế như: thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu; thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nhiều loại hàng hóa…
Theo các chuyên gia kinh tế, không tăng thuế mà vẫn tăng thu được mới là cách quản lý mà Bộ Tài chính cần làm.
Ts. Ngô Trí Long cho rằng hiện nay, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm.
“Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, thì dù có tăng các sắc thuế lên gấp đôi đi nữa, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó đảm bảo được cân đối NSNN”, ông Long khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, Ts. Nguyễn Minh Phong cho rằng áp lực cân đối ngân sách tăng khiến Bộ Tài chính có những cực đoan đề xuất tăng thu 5 sắc thuế vừa qua. Tuy nhiên, Bộ này lại giảm thuế vô tội vạ, đặc biệt là ưu đãi miễn thuế đất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), không chỉ làm mất công bằng cho các DN trong nước mà còn ảnh hưởng lâu dài đến đời con cháu.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng việc nghiên cứu hoàn thiện các sắc thuế là việc làm thường xuyên. Hiện nay phải tận dụng các nguồn thu, cải tiến nguồn chi. Không nên tăng thuế vào thời điểm này, bởi chủ trương của Chính phủ hiện nay là khởi nghiệp, mà đối tượng là các DN nhỏ và vừa, nếu tăng thuế sẽ không thúc đẩy được chủ trương này.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp tăng thuế của Bộ Tài chính lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng về lâu dài, những tác hại rất khó lường. |
Cần áp dụng có chọn lọc
Theo giới chuyên gia, thông thường khi điều chỉnh các sắc thuế, cơ quan nhà nước phải giải trình được việc thu thuế để làm gì. Ví dụ, Bộ Tài chính giải thích cho việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng như nước ngọt có đường nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân là chưa thuyết phục.
Ông Phong cho rằng chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam chứng minh mối liên hệ giữa thừa cân, béo phì và việc sử dụng nước ngọt có đường. Trong khi đó, một số nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ béo phì, thừa cân thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới (chiếm 1%) và trong khu vực Đông Nam Á.
Một số nghiên cứu trong nước khẳng định nguyên nhân béo phì là do chế độ ăn không hợp lý, thiếu vận động thể chất và lạm dụng rượu bia.
“Như vậy, Bộ Tài chính chưa đưa ra được những số liệu, bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho việc áp thuế TTĐB là giải pháp đúng đắn cho vấn đề giải quyết béo phì, thừa cân ở Việt Nam”, ông Phong nói.
Trước phản ứng của dư luận và các chuyên gia về lập luận này, cơ quan soạn thảo luật lại đưa ra lý do “để phù hợp với thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, ngay lập tức cũng nhận được những ý kiến phản đối.
Theo ông Phong, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế với góc nhìn đa chiều hơn để từ đó áp dụng một cách có chọn lọc.
Chẳng hạn, môi trường sống, thu nhập… có tương đồng, phù hợp với thực tế của Việt Nam không? Về cơ bản khi xây dựng, điều chỉnh một sắc thuế, thế giới có nhiều xu hướng “ứng xử” khác nhau, song họ đều đưa ra những lộ trình để từ đó đánh giá tác động, hiệu quả cho những lộ trình tiếp theo.
Đồng quan điểm, ông Long nêu dẫn chứng: “Ở Nhật Bản, việc tăng thuế VAT cũng được xây dựng thành hai lộ trình. Đầu tiên tăng 3-8%, giai đoạn hai là 8-10%, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được giai đoạn hai”.
Tại tọa đàm, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định: khi đặt bút xây dựng luật cần phải giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch trong chi ngân sách thì không có vấn đề gì, tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận đóng thuế.
Thanh Hoa