Không có lợi ích nhóm
Tại phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) tiếp tục chất vấn về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.
Đại biểu đặt câu hỏi: "Cho tới nay, dù Chính phủ và Bộ trưởng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo để xử lý các dự án này nhưng tiến độ còn khá chậm. Đặc biệt, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quý I/2018 phải thoái vốn nhưng đến quý IV, tình hình thoái vốn vẫn chưa được triển khai thực hiện. Lý do chậm trễ ở đây là gì? Liệu có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài quá trình thoái vốn để trục lợi hay không?".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Internet) |
Đồng thời, về việc xử lý các sai phạm tại 12 dự án thua lỗ, hiện mới có 6 bị can bị khởi tố. "Cử tri nghi ngờ tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm pháp luật tại những dự án này. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ những băn khoăn này", đại biểu nêu.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang chậm tiến độ so với kế hoạch chung đặt ra. Điều này đã được dự liệu, khi thực hiện dự án có nhiều vấn đề phức tạp.
Theo Bộ trưởng, có hai vấn đề lớn đặt ra là: các tranh chấp pháp lý với tổng thầu EPC và câu chuyện thoái vốn của Nhà nước ra khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam, cơ quan chủ sở hữu của Gang thép Thái Nguyên và cũng là chủ đầu tư dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, liên quan đến các bảo lãnh của Tổng công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên trong dự án của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỷ đồng của VietinBank. Nếu thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước vì Tổng công ty Thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này.
“Phải giải quyết cho xong được khoản giải chấp đối với bảo lãnh này thì mới tiến hành thoái vốn được. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án mới cho phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Với câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức sai phạm có nghiêm minh không? Lãnh đạo ngành Công Thương cho biết cả 12 dự án này đã làm đồng bộ và toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm toán, điều tra và xem xét xử lý trách nhiệm. Có 4 dự án đã chuyển cơ quan điều tra để điều tra, đã khởi tố 2 vụ án, nhiều đối tượng đã bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Chắc chắn sẽ không có câu chuyện bao che đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào có liên quan. Với góc độ chúng tôi biết, chúng tôi khẳng định không có bất cứ lợi ích nhóm nào trong bất kỳ hoạt động nào xử lý các vướng mắc, tồn tại của các dự án này”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Hàng Việt chiếm từ 60% trở lên ở siêu thị ngoại
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi về vấn đề tổ chức các kênh phân phối nông sản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt hơn 1.000 đề án với tổng kinh phí hơn 510 tỷ đồng (tỷ lệ các đề án hỗ trợ liên quan đến ngành hàng nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 30% các đề án được phê duyệt), đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước thông qua hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị trong nước chiếm tỷ lệ khá cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)...
Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 68 - 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON, Citimart (82-85%), Emart (96%), Saigon Centre (68%)...
Đồng thời, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên, trong đó nhóm mặt hàng Việt Nam có tỷ lệ cao là những hàng hóa Việt Nam có thế mạnh về điều kiện sản xuất, nguyên liệu đầu vào như: nông sản, lương thực, thực phẩm (tươi sống).
Thy Lê