Theo dự tính của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao), vào trung tuần tháng 11/2024 sắp tới sẽ quy tụ các doanh nghiệp (DN) nội địa để thảo luận chuyên sâu về việc tái thiết kế chiến lược phân phối trong thị trường biến động và đầy thử thách như hiện nay.
Chọn hướng đi phù hợp với tiêu dùng xanh
Điều này nhằm hỗ trợ thực tiễn và dài hạn cho các DN Việt am hiểu và thích ứng với môi trường kinh doanh mới, thích nghi với những biến đổi của thị trường và củng cố sức mạnh phân phối. Nhất là trong bối cảnh khối nội đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập giá rẻ (đặc biệt là hàng Trung Quốc) và đối mặt tình trạng tăng trưởng chậm, khó khăn trong việc thích ứng với các kênh phân phối đang thay đổi nhanh chóng, chi phí phân phối cao.
Cỗ máy tăng trưởng của các DN nội địa sẽ trơn tru hơn nếu gắn chặt với thị hiếu mới của người tiêu dùng, đặc biệt là chọn hướng đi phù hợp trước xu hướng tiêu dùng xanh. |
Bên cạnh đó, trong cuộc họp báo tại Tp.HCM vào ngày 30/10 nhằm giới thiệu vòng chung kết cuộc thi ý tưởng/dự án khởi nghiệp xanh - phát triển bền vững 2024, phía BSA đã thông tin kết quả cuộc khảo sát về tiêu dùng xanh 2024.
Kết quả khảo sát này không chỉ thể hiện rõ xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay mà còn nêu bật các động lực và rào cản đối với tiêu dùng xanh, như giá cả, tính tiện lợi, và sự hỗ trợ từ chính sách. Khảo sát cho thấy khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc chi trả cho các sản phẩm xanh. Đây là những thông tin hữu ích giúp DN Việt định hướng chiến lược phát triển sản phẩm, chọn hướng đi phù hợp với thị hiếu mới trên thị trường “sân nhà”.
Cụ thể, các kênh truyền thống (GT) và kênh phân phối hiện đại (MT) chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng các loại sản phẩm xanh (67% và 66%). Đặc biệt, các kênh Online (mới nổi những năm gần đây) nhưng cũng chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với khoảng 45%. Trong các kênh GT thì đại lý và cửa hàng chuyên là nơi người tiêu dùng ưng đến nhiều nhất (58%) khi có nhu cầu mua hầu hết các loại sản phẩm xanh.
Cũng theo kết quả khảo sát nêu trên, rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Trước xu hướng tiêu dùng xanh, đứng ở góc độ là giám đốc điều hành khối sản xuất của một hãng sữa hàng đầu trong nước, ông Lê Hoàng Minh cho biết phía công ty chú trọng phát triển các sản phẩm phát thải thấp cho người dùng, sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, bao bì phát thải thấp. Và điều mà công ty hướng đến là tiêu dùng bền vững và ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong sản xuất.
Hay như chia sẻ của ông Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (chuyên sản xuất bánh tráng siêu mỏng), điều quan trọng là DN trong nước cần có sự sáng tạo xanh, đưa tài nguyên bản địa vào sản phẩm để đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng Việt.
Dùng công nghệ để tăng thu hút người mua
Theo ông Duy, bản thân công ty đi theo hướng làm sản phẩm bánh tráng với “3 không”: Không hương liệu, không chất bảo quản, không phẩm màu. Đây là một khác biệt lớn với các loại bánh tráng trên thị trường. Nhờ thị trường đón nhận mà công ty lần lượt mở được 3 xưởng sản xuất, với tổng sản lượng lên đến khoảng 20 tấn/ngày.
Cũng nên nhắc thêm đến kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report với người tiêu dùng ở mảng thực phẩm trong năm 2024. Đó là có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm (tăng 12,5% so với năm 2023). Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể, buộc các DN Việt phải điều chỉnh chiến lược bao bì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính bền vững.
Qua khảo sát còn cho thấy 61,3% người tiêu dùng Gen Z (thế hệ được sinh từ năm 1997 đến năm 2012, nhóm được xem là người tiêu dùng chiếm ưu thế nhất trên thị trường nội địa) cho biết sẽ gia tăng việc sử dụng thực phẩm từ thực vật vì họ tin rằng những thực phẩm đó tốt cho sức khỏe hơn và 72,8% sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững.
Do đó, để gắn chặt với thị hiếu mới của người tiêu dùng Việt đòi hỏi hàng hóa của các DN nội địa cần tái thiết kế chiến lược để thích ứng tốt. Nhất là đầu tư vào công nghệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi của thị trường và tăng thu hút người mua.
Chẳng hạn như việc dùng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) để hút khách hàng trên mạng xã hội. Theo Ts. Alrence Halibas (Đại học RMIT), điều này có thể giúp DN Việt cải thiện hành trình và quyết định của người tiêu dùng, tăng xu hướng sử dụng các nền tảng số để tìm kiếm và mua sản phẩm.
Vị chuyên gia này cho biết một trong những thế mạnh của AI là khả năng cung cấp các gợi ý được cá nhân hóa. Công nghệ này sử dụng bộ lọc dựa trên nội dung, chẳng hạn như gợi ý các sản phẩm tương tự như những mặt hàng mà người tiêu dùng đã thích trong quá khứ và lọc kết hợp, gợi ý các sản phẩm dựa trên sở thích của người dùng tương tự.
Theo Ts. Alrence Halibas, các chiến lược này sẽ làm tăng khả năng mua hàng của các DN Việt bằng cách đảm bảo rằng nội dung và sản phẩm được hiển thị trên trang nội dung của người dùng phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ.
Cũng theo vị chuyên gia của RMIT, các DN Việt cần lưu ý đến 3 kỹ thuật marketing nâng cao dựa trên AI. Thứ nhất là phân tích dự đoán, phân tích lịch sử dữ liệu từ mạng xã hội để dự đoán nhu cầu khách hàng và cung cấp các sản phẩm kịp thời và phù hợp.
Thứ hai là phân tích cảm xúc, xem xét các bài đăng trên mạng xã hội và đánh giá của khách hàng để nhận định về cảm xúc họ dành cho sản phẩm và thương hiệu, từ đó đội ngũ marketing có thể điều chỉnh các chiến lược phù hợp. Thứ ba là định giá linh động, theo dõi giá cả theo thời gian thực dựa trên nhu cầu, sự cạnh tranh và các yếu tố thị trường khác để đảm bảo mức giá tối ưu nhằm tối đa hóa doanh số và lợi nhuận.
Tựu trung, để cỗ máy tăng trưởng của các DN nội địa trơn tru hơn trong bối cảnh thị trường không ngừng biến đổi thì điều quan trọng là họ cần thực hiện ngay những giải pháp tối ưu, trong đó thị hiếu mới của người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu mà DN phải gắn chặt.
Thế Vinh