Chia sẻ mới đây nhân một cuộc thi toàn quốc về ý tưởng và dự án khởi nghiệp xanh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có đề cập một đặc sản nổi tiếng ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) là gạo nếp ong (tên địa phương là Khẩu Phjẩng), với đặc trưng bông dài hạt to. Từ loại nếp dẻo thơm này, bà con đồ thành xôi ngũ sắc cũng là đặc sản bao đời trong vùng.
Từ băn khoăn của vị bộ trưởng
Điểm đặc biệt của đặc sản gạo nếp ong, để giữ trọn những hạt thóc quý, bà con dân tộc thu hoạch theo phương pháp cổ truyền, cắt từng bông lúa, buộc thành từng bó nhỏ đem về treo trên gác, hiên nhà.
Do còn tồn tại nhiều điểm yếu về bao bì, thương hiệu, thiếu câu chuyện khác biệt, liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ…khiến cho nhiều loại nông đặc sản địa phương chưa có sức bật về đầu ra. |
Theo vị bộ trưởng, đây là câu chuyện giàu cảm xúc của một đặc sản địa phương nhưng rất tiếc không được đưa lên bao bì. Người tiêu dùng không phân biệt được sự khác biệt độc đáo của loại đặc sản này ngoài những thông tin như: Không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất tạo mùi, không chất bảo quản.
“Trong khi đó, trong một túi gạo nhỏ của nước ngoài người ta còn định vị xuất xứ sản phẩm bằng một chấm đỏ trên bản đồ quốc gia, kèm theo những câu chuyện về đặc sản đó”, ông Hoan nêu rõ.
Từ việc đưa ra dẫn chứng về mặt hạn chế của một nông đặc sản địa phương như vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh ngày nay, người ta không chỉ mua sản phẩm mà mua “câu chuyện tạo ra sản phẩm” đó, câu chuyện về người nông dân bản địa thực hiện quy trình sản xuất thu hoạch, bảo quản. Câu chuyện càng giàu cảm xúc càng đi vào tâm trí người tiêu dùng.
“Câu chuyện càng khác biệt giá cả càng khác biệt. Câu chuyện càng đặc biệt càng dễ truyền thông, quảng bá sản phẩm đến thị trường. Khi ấy chuyển từ bán giá cả sang bán giá trị. Hãy bán sự khác biệt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Có thể thấy những góp ý thẳng thật như vậy là điều mà các chủ thể sản xuất kinh doanh nông đặc sản địa phương cần để tâm nhiều hơn và có những cách thức thay đổi phù hợp để thu hút người mua. Nhất là khi nhiều loại nông đặc sản vẫn còn thiếu thể hiện câu chuyện khác biệt, thiếu điểm nhấn vì chưa gắn địa lý vùng lên sản phẩm (như hình ảnh, màu sắc đặc trưng của địa phương) và hình thức bao bì chưa bắt mắt. Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng khác mà người tiêu dùng quan tâm cũng cần được khắc phục như chất lượng, giá cả, chứng từ pháp lý cần rõ ràng.
Ngoài ra, đứng ở góc độ là đại diện của Công ty Lee’s Coffee (chuyên mua hàng đặc sản phân phối cho chuỗi 50 siêu thị của Lee’s Sandwich tại Mỹ), ông Dương Toàn cho biết cách làm của công ty để hỗ trợ nông đặc sản Việt xuất ngoại là luôn đồng hành từng bước, giúp cho chủ thể nông đặc sản xây dựng thương hiệu tại thị trường xuất khẩu, cũng như hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đạt các tiêu chuẩn quan trọng.
Minh chứng qua việc hỗ trợ này, ông Toàn cho biết vào thời điểm đỉnh cao phía công ty đã xuất khoảng 40 container một đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng là bánh pía Tân Huê Viên đi thị trường Australia và Mỹ.
Đến nhiều việc phải làm
Còn với kinh nghiệm xuất khẩu nông đặc sản đi các thị trường Mỹ, Australia, Nga…, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, đã nêu dẫn chứng một đặc sản của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là mật hoa dừa Sokfarm đang bán rất chạy ở thị trường Đức. Đó là nhờ vai trò tích cực của nhà phân phối trong việc làm nhiều clip “review” đến người tiêu dùng Đức thông qua mạng xã hội với những món ăn ngon được chế biến từ sản phẩm mật hoa dừa.
“Cuối cùng nhiều clip lên xu hướng cả nước. Từ đây, báo chí địa phương đã viết về câu chuyện này, và những câu chuyện hàng nông đặc sản Việt Nam bên Đức”, ông Luận kể.
Tuy vậy, không phải loại nông đặc sản nào cũng có may mắn có được sự hỗ trợ của nhà phân phối trong xuất ngoại như bánh pía hay mật hoa dừa. Như ở vùng ĐBSCL - là vùng đang được xếp đứng thứ 2 của cả nước (sau vùng đồng bằng sông Hồng) về sản phẩm OCOP (chiếm 21,2% tổng sản phẩm OCOP của cả nước), thế nhưng những đánh giá mới đây từ ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho rằng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cụ thể, ngoài việc một số sản phẩm bao bì, nhãn mác còn đơn giản, theo ông Sơn, đóng gói bao bì chưa bắt kịp xu thế của người tiêu dùng, tư duy về xây dựng thương hiệu còn yếu. Đó là chưa kể quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn tương đối yếu, năng lực sản xuất hạn chế.
Chính những mặt yếu như vậy khiến cho đầu ra của nông đặc sản địa phương ở ĐBSCL vẫn chưa có sức bật. Và cách mà nhiều địa phương vẫn hay làm là tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu quảng bá nông đặc sản hoặc các đợt kết nối cung cầu, tuy nhiên mức độ hiệu quả còn tùy thuộc vào mặt hàng có đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng hay các nhà thu mua hay không.
Chẳng hạn như hôm 9/10, có hơn 30 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở tỉnh Sóc Trăng với hơn 80 mặt hàng nông đặc sản, sản phẩm OCOP (gồm gạo, hành tím, bánh pía, lạp xưởng, bánh kẹo các loại, củ cải muối ngọt, trà mãng cầu, trà đọt ổi, rượu, mật ong, mắm các loại, các sản phẩm chế biến khác, hàng thủ công mỹ nghệ, đan lát, trái cây)...đã tham gia Tuần lễ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tại Tp.HCM.
Nói về việc này, ông Hứa Trường Sơn, Phó giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, cho rằng qua đó giúp tạo nhịp cầu kết nối để tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, hợp tác, quảng bá, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, đặt biệt là sản phẩm OCOP, nông đặc sản chủ lực của tỉnh.
Thế nhưng, ngoài việc tăng liên kết tiêu thụ như vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm cho các chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh nông đặc sản. Chẳng hạn để thúc đẩy đặc sản Việt trên nền tảng bán hàng trực tuyến, ông Nguyễn Quách Nhi, người từng là giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng của một sàn thương mại điện tử, cho rằng có 3 yếu tố chính tạo nên thành công của các sản phẩm. Thứ nhất là tính nổi bật của nguồn tài nguyên bản địa. Thứ hai là bao bì đẹp, chứng nhận chất lượng đầy đủ. Thứ ba là năng lực bán hàng và chất lượng vận hành.
Trước vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững cộng đồng sản xuất nông đặc sản tại các địa phương, ông Nhi cho rằng các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử cần đẩy mạnh kết nối cung cầu với nhà nông, HTX, doanh nghiệp nông thôn. Thực tế, có nhiều trường hợp đã thành công, nhưng tỷ lệ có kết quả thương mại trên tổng số sản phẩm vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy, với các chủ thể sản xuất kinh doanh nông đặc sản địa phương, ông Nhi nhấn mạnh điều cần làm là trang bị, nâng cao hiểu biết và năng lực về thị trường, thương hiệu, bán hàng, vận hành.
Thế Vinh