![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021. (Ảnh: VGP) |
Trong thành công chung của đất nước, Thủ tướng chúc mừng ngành Tài chính đã không những hoàn thành “toàn diện, vượt mức, xuất sắc” nhiệm vụ trong 5 năm, mà đặc biệt năm 2020 với đầy khó khăn thách thức, ngành Tài chính đã thực hiện “càng xuất sắc hơn”.
Nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn trong thư gửi hội nghị cán bộ Tài chính năm 1952, Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý tài chính quốc gia được coi là tốt khi và chỉ khi có tác tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều của cải cho xã hội, với năng suất chất lượng cao, tạo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bao trùm. Liên hệ lời dạy của Bác, Thủ tướng cho rằng ngành Tài chính đã làm tốt thì đất nước mới phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thu NSNN cả năm đạt 98% dự toán, tăng 184.000 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỉ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP).
Theo Thủ tướng, đây là con số rất có ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19, “con số này làm cho chúng ta thở phào, nói lên quản lý tài chính chặt chẽ”. Ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”, Thủ tướng nói thêm.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch; cơ cấu thu NSNN bền vững hơn. Thị trường tài chính, dịch vụ tài chính ngày càng phát triển theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế; tạo nhiều kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cho hệ thống tín dụng, ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường ổn định, đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới (quy mô thị trường đạt gần 88% GDP, tăng gần 21% so cuối năm 2019).
Năm 2021, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công, thị trường tài chính mà trước hết thu NSNN ở những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính chủ động phối hợp các cấp, địa phương thực hiện tốt hơn sứ mệnh là bảo đảm huyết mạch nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau. Trước hết phải lo cho bà con có một cái Tết đủ đầy, ấm no, nhất là các vùng sâu vùng xa, bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai năm vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 9 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tài chính. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 3% so với dự toán; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả,...
Thanh Hoa