Từ tháng 4 đến đầu tháng 6/2022, quả trứng đã chịu hai lần tăng giá từ 3.000 - 4.500 đồng/1 vỉ 10 quả. Chỉ một mặt hàng nhỏ dù thuộc danh mục hàng bình ổn, nhưng vẫn tăng giá như vậy cho thấy giá xăng dầu đang ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp, người dân.
Doanh nghiệp cầm cự theo ngày, theo tháng
Thống kê trong 2 tháng qua, giá xăng đã được điều chỉnh tăng liên tiếp 7 lần, trong đó xăng E5RON95 tăng 4.831 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 5.556 đồng/lít...
Giá xăng dầu liên tiếp phá vỡ kỷ lục cao nhất lịch sử. |
Sau kỳ điều chỉnh giá ngày 21/6, giá phần lớn mặt hàng xăng dầu đều đang vượt mốc 30.000 đồng/lít (xăng RON92: 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 III: 32.873 đồng/lít; Dầu diesel: 30.019 đồng/lít.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp vận tải đang tính toán mức tăng giá cước mới vì giá xăng dầu đã tăng vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp.
Ông Hùng nói: "Doanh nghiệp taxi dự tính điều chỉnh giá cước tăng lên 15.000 - 16.000 đồng/km. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cố gắng chờ đợi động thái chính sách "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong tuần này của Chính phủ. Nếu không có thêm chính sách hỗ trợ gì mới chắc chắn chúng tôi phải điều chỉnh giá cước tương ứng với mức tăng của xăng dầu để bù đắp chi phí".
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội tính toán bình quân mỗi ca, xe taxi chạy khoảng 200km, tương ứng hơn 700 nghìn đồng tiền xăng. Trong khi đó giá cước thu về chỉ hơn 1 triệu đồng một chút. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về không còn được bao nhiêu.
Hiện, nhiều doanh nghiệp taxi cho biết, đang phải cắt giảm chi phí nhân công với cán bộ nhân viên văn phòng, hoạt động kinh doanh... để bù đắp phần sụt giảm lợi nhuận do giá xăng dầu. Tuy vậy, mức chịu đựng của doanh nghiệp chỉ tính theo ngày, không thể kéo dài quá lâu.
Vì vậy, nếu giá xăng dầu không "hạ nhiệt", doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước mới. Tất nhiên, đây cũng không phải là lần điều chỉnh giá cước mới trong năm nay.
Theo ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, việc giá xăng dầu tăng đang ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Nếu giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng từ nay đến cuối năm, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp chỉ hết quý III, họ không thể chịu được nữa bởi đa số là doanh nghiệp đang trên đà hồi phục sau thời gian chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp vận tải đều bày tỏ mong muốn Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng có quyết sách, mạnh tay giảm thuế phí để giảm giá xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, với tình hình hiện nay càng chạy càng lỗ, ăn vào chi phí vốn.
Cần thêm giải pháp hỗ trợ
Trước áp lực tăng giá xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, đề xuất giảm từ 700-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu (tùy loại), nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát.
Về hiệu lực thi hành, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 1/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, chuyên gia, quá trình giảm thuế cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Chưa kể, mức đề xuất giảm thuế mà Bộ Tài chính đưa ra bị đánh giá là quá nhỏ giọt so với đà tăng mạnh của xăng dầu.
Câu chuyện tăng giá xăng dầu đã được Bộ Công Thương chỉ ra nguyên nhân do giá xăng dầu thế giới chịu tác động chiến sự Nga - Ukraine, sự phục hồi và mở cửa của các nền kinh tế lớn hậu đại dịch, trong khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính. Tất cả đều đúng, nhưng giải pháp để khắc phục, giảm giá xăng dầu thì dường như vẫn chưa hiệu quả.
Chưa kể, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các giải pháp giảm thuế phí đối với xăng dầu đều sẽ phải qua quy trình thủ tục rất phức tạp. Trong khi đó, muốn giảm giá xăng dầu nhanh thì chỉ còn mỗi cách là giảm thuế, nhưng đòi hỏi quá trình đánh giá tác động đa chiều bởi nếu ban hành quy định này thì phải xác định được khả năng điều hành xăng dầu trong nước, kiểm soát giá và chống buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài và đặc biệt nhất là cân đối thu ngân sách.
Thực tế, giá xăng dầu tăng nóng không chỉ là câu chuyện ở Việt Nam mà còn ra đối với nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá xăng cao so với bình quân thu nhập và khả năng chi trả của đại đa số người dân nên câu chuyện này nóng hơn, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh hơn, đa chiều hơn.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói rằng, giải pháp hiệu quả, căn cơ nhất lúc này vẫn chính là nguồn cung xăng dầu và chính sách an sinh đối với các đối tượng chịu tác động nặng nề của giá xăng như doanh nghiệp vận tải, vận chuyển, logistics, công nhân, người lao động... thay vì các giải pháp về thuế bởi giải pháp này vừa lâu, vừa có những tiêu cực phát sinh như chảy máu xăng dầu, buôn lậu…
Mới đây, trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng năm 2022, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam nên có các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trong nước và nên cân nhắc hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính như lái xe... để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát. Đây có lẽ cũng là giải pháp hiệu quả trong lúc chờ đề xuất giảm thuế được Quốc hội thông qua.
Nhật Linh