Từ TP. HCM ra Hà Nội công tác, anh Đỗ Trường Sơn gọi taxi công nghệ từ một khách sạn trên đường Đê La Thành (Đống Đa) sang văn phòng ở Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy), khoảng cách chưa đầy 6 km, giờ cao điểm, hãng xe báo giá cước 230.000 đồng. Thấy quá vô lý, anh xuống sảnh bắt xe ôm.
Giá cước tăng, đặt xe khó
Anh Sơn cho biết trong 2 năm qua, ưu tiên hàng đầu khi di chuyển là taxi công nghệ. Trên điện thoại của anh hiện có 3 app (ứng dụng) gọi xe. Tuy nhiên, nếu trước đây việc gọi xe vô cùng dễ dàng thì trong khoảng 3 tháng trở lại đây ngày càng khó, chưa kể giá cước tăng cao khi tan tầm và thời tiết xấu.
“Giá niêm yết của các hãng xe công nghệ hiện tại ở mức 12 – 13 nghìn đồng cho 2 km đầu tiên, và 4 – 5 nghìn đồng cho những km tiếp theo. Nhưng thực tế, giá cao hơn nhiều, đặc biệt khi cao điểm, thời tiết xấu thì có thể lên tới hơn 30 nghìn đồng. Thời gian đợi tăng, nhiều khi bị hủy cuốc”, anh Sơn kể.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cước tăng mạnh trong thời gian qua, theo nhiều người dùng là bởi họ đang ở thế “cửa dưới” với hàng loạt phụ phí mà hãng xe công nghệ áp dụng.
Cụ thể, thời gian tính phụ phí của hầu hết các hãng xe hiện tại từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc. Chưa kể khách sẽ bị trừ 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Các loại phí nền tảng cũng được Grab, Be, Gojek… áp dụng từ 1.000 - 3.000 đồng/cuốc.
Áp lực chi phí, giá xăng tăng khiến cả người dùng, tài xế lẫn hãng xe công nghệ đều gặp khó khăn. |
Còn theo các hãng xe, thời tiết thường xuyên chuyển biến xấu kèm giá xăng tăng cao khiến đối tác mất động lực ra đường, từ đó suy giảm năng suất. Điều này buộc họ phải điều chỉnh giá cước nhằm bù đắp một phần chi phí vận hành nhằm đảm bảo đời sống của người lái xe.
Về lý do thời gian chờ đợi kéo dài, dù khẳng định số lượng phương tiện không hề suy giảm, các hãng xe thừa nhận nhu cầu đi lại của khách hàng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát liên tục tăng mạnh, dẫn tới trong nhiều thời điểm lượng tài xế không đủ để đáp ứng.
Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Giá cước tăng thì phía chịu thiệt hại đương nhiên là người dùng, nhưng các hãng xe công nghệ cũng cho biết đang rơi vào thế khó. Một mặt phải cân bằng lợi ích của khách hàng, giữ chân tài xế (đối tác), một mặt phải cân bằng thu chi, đảm bảo doanh thu với các chương trình khuyến mãi.
Cụ thể, để bù đắp chi phí, cả xe công nghệ và taxi truyền thống đều đang có động thái tăng giá cước. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, đến hết ngày 16/3, trên địa bàn có 15 doanh nghiệp taxi và 13 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định xin đăng ký lại giá cước.
Cả 3 ứng dụng gọi xe hàng đầu hiện tại là Grab, Gojek, be cũng đang rục rịch tăng giá cả dịch vụ xe 2 bánh lẫn 4 bánh. Đáng chú ý, theo dự báo, mức tăng này chưa bắt kịp xu hướng đi lên của nhiên liệu, vì vậy giá cước nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu tình hình không được cải thiện.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường xe công nghệ tại Việt Nam ước đạt doanh thu 2,4 tỷ USD trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015. Đến nay, tốc độ tăng trưởng người dùng của các ứng dụng gọi xe chỉ xếp sau thương mại điện tử.
Bài toán nhân lực cũng đang là thử thách không nhỏ khi các hãng xe đang buộc phải chi ra số tiền khổng lồ để tăng mức đãi ngộ cho tài xế. “Hiện, chúng tôi đang “còng lưng” gánh các loại chi phí. Để giữ chân lái xe, hãng hỗ trợ tiền xăng tùy loại xe, từ 1 đến 3,5% doanh thu”, đại diện một hãng xe cho hay.
Nếu hãng xe gặp thế khó, các tài xế cũng khẳng định họ chẳng sung sướng gì. Bên cạnh thời gian làm việc kéo dài 10 – 12 tiếng mỗi ngày, nhiều lái xe cho biết đang gặp áp lực lớn với cơ chế chấm điểm gắt gao trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chỉ một sao thấp, tài xế có thể “đói” cả ngày.
Do giá xăng tăng quá cao trong thời gian qua, nhiều tài xế chạy không đủ bù chi nên buộc lòng phải tắt app tại từng thời điểm. Để tối ưu lợi nhuận, các lái xe thường tập trung ở những khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại nhằm nhận được nhiều cuốc hơn.
Song song với việc đón khách, một số tài xế xe công nghệ bắt đầu chuyển sang chạy dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn do nhận thấy nhu cầu của khách hàng tăng cao khi bước vào hè. Một phần, việc chạy ship đồ ăn giúp tài xế không phải di chuyển ra quá xa địa bàn.
Anh Hoàng Bách, một lái xe công nghệ, chia sẻ nhiều khách hàng kêu ca giá cước quá cao trong giờ cao điểm, nhưng họ không biết là để đến địa điểm khách gọi, tài xế phải đối mặt đủ loại rủi ro như tai nạn giao thông, tắc đường, thời tiết xấu, giá cước tăng không đáng là bao so với chi phí đầu vào.
“Tôi phải khẳng định lái xe công nghệ việc không nhẹ, lương không cao. Trong giờ cao điểm, nhiều lúc chúng tôi lái xe bằng 1 tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận đơn hàng. Các cuộc gọi hối thúc liên tục, chậm một chút là “ăn” 1 sao. Nhiều lúc cảm thấy mình đang bán mạng. Cực chẳng đã thôi, nếu giá nhiên liệu được kiểm soát, đãi ngộ ổn định thì đã chẳng đến nỗi…”, anh Bách bộc bạch.
Hưng Nguyên