Theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn (một doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm truyền thống với quy mô lớn nhất nhì tại thành phố Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang), để phát huy giá trị văn hóa bản địa của Phú Quốc, nâng cao giá trị của sản phẩm xứng tầm với di sản một làng nghề của ông cha để lại, công ty đang dự thi OCOP để đưa sản phẩm nước mắm truyền thống đạt 5 sao, còn trước đó, vào năm 2020 công ty đã đạt 4 sao.
Phát huy lợi thế của địa phương
Chia sẻ tại hội thảo “Định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL (diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp từ ngày 28/4 đến 3/5), bà Liên cho biết phía công ty đã có những cách làm nhằm phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Khai thác triệt để giá trị tài nguyên văn hóa bản địa sẽ giúp vùng ĐBSCL phát triển các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng. |
“Chúng tôi đã xây dựng 2 khu vực trưng bày bán sản phẩm kết hợp tham quan trải nghiệm tại đảo Phú Quốc theo kiểu truyền thống kết hợp hiện đại với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mua sắm của khách du lịch về sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc”, bà Liên nói.
Cùng với nước mắm Khải Hoàn, đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đã có 108 sản phẩm được đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, hồi năm ngoái có 6 sản phẩm nước mắm Phú Quốc đạt hạng tiềm năng 5 sao và đang hướng tới mục tiêu đạt hạng 5 sao cấp Quốc gia.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, trong tỉnh đang phát triển khá mạnh về loại hình du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Kiên Hải, thành phố Hà Tiên và thành phố Phú Quốc. Tuy nhiên đến nay, tỉnh Kiên Giang chưa công nhận được sản phẩm OCOP nào về dịch vụ du lịch cộng đồng.
Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ du lịch chưa quan tâm nhiều về Chương trình OCOP, một số điểm du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa liên kết các dịch vụ với nhau để cùng phát triển.
Về nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 66 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Riêng ở khu vực ĐBSCL, các tỉnh Kiên Giang Đồng Tháp và Sóc Trăng được đánh giá là những địa phương có lợi thế trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với với sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch Đồng Tháp, cho biết sản phẩm OCOP nhóm du lịch cộng đồng góp phần phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh. Đến nay, Đồng Tháp đã công nhận được hơn 265 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng (gồm Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Homestay ngôi Nhà Hoa Ếch).
Khai thác triệt để tài nguyên văn hóa bản địa
Để sản phẩm OCOP nhóm du lịch cộng đồng phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Thương nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
“Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp – nông thôn gắn với sản phẩm OCOP và tạo dựng hình ảnh địa phương. Khai thác triệt để các yếu tố giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”, ông Thương nói.
Còn theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, để phát triển sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP ở vùng ĐBSCL trong thời gian tới thì rất cần thực hiện các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng theo định hướng liên kết tỉnh, vùng và theo cụm tuyến, chuỗi giá trị du lịch cộng đồng.
Đặc biệt là cần sự hỗ trợ của các cấp ngành có liên quan nhằm giúp phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của các địa phương cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc trưng và bền vững mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hơn thế nữa, theo giới chuyên gia, Bộ NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nên ưu tiên và lồng ghép nhiều hơn các dự án thuộc các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh ĐBSCL. Nhất là Chương trình phát triển du lịch, chuyển đổi số, OCOP,… để tập trung phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.
Bàn về việc thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở vùng ĐBSCL trong chương trình OCOP, Ts. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám Đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, cho rằng để sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP là cần đánh giá các sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở xây dựng một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng.
Không những vậy, cần phát triển bền vững, bảo tồn di tích và bản sắc văn hoá vùng ĐBSCL nhằm đóng góp cho sự thịnh vượng kinh tế xã hội của người dân và có ý nghĩa đối với người dân địa phương gắn với phát triển nông thôn mới.
Trong đó, theo bà Trang, những tiêu chí quan trọng cho sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP chính là việc tổ chức dịch vụ, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, cũng như khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm.
Thế Vinh