Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G, nhìn nhận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (DN CNHT) trong nước đang bỏ ngỏ thị phần tiềm năng tại thị trường Việt Nam và từ đó có thể len chân vào thị phần chế biến - chế tạo CNHT của thế giới.
Nằm rìa... chuỗi sản xuất toàn cầu
Ông Hoàng đánh giá từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới, mở cửa thu hút FDI, các DN, tập đoàn lớn nước ngoài đã vào Việt Nam như Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic... Nhưng ngay từ ngày đó, chúng ta chưa hoàn thiện đầy đủ chính sách thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn FDI. Mặt khác cũng chưa có đủ các cơ chế để khuyến khích và thậm chí phải có quy định để nâng cao ràng buộc các DN, tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam.
Số doanh nghiệp thuần Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất của Samsung còn khiêm tốn. |
Về phía các DN FDI, do có nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn này, cũng như do các tập đoàn này đã tham gia sâu rộng, bền chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là DN tại chính quốc gia của họ, vì vậy, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia sản xuất, cung ứng linh phụ kiện cho DN FDI rất hạn chế. Điển hình là Samsung đã công bố nhu cầu hàng trăm loại sản phẩm, Toyota và các tập đoàn quốc tế khác và trong nước công bố hàng trăm loại linh phụ kiện cần nhưng các DN CNHT Việt Nam không thể đáp ứng được bởi nhiều yếu tố cả hai bên mang lại.
Mặt khác, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với DN Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam không tự đổi mới, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế và không kịp thời trong khi năng lực của DN còn hạn chế, khả năng phối hợp và tính đồng bộ còn nhiều bất cập thì dẫn tới việc các DN Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhìn nhận CNHT của Việt Nam vẫn đang còn rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có ngành CNHT đi kèm và chúng ta đang phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Vì vậy dẫn đến việc sản xuất manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp. Hiện nay, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay các công cụ quản lý sản xuất công dụng.
Cụ thể, chỉ có khoảng 20% DN có chứng nhận ISO 9.000; 90% DN có chứng nhận ISO 14.000. Về trình độ công nghệ, hiện có khoảng trên 30% DN cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị công nghệ điều khiển thủ công, chưa đến 10% DN sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy, năng lực của các DN CNHT của Việt Nam đang khá thấp cả về năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng trăn trở về tỷ lệ nội địa hoá của Samsung. Năm 2020, Samsung xuất khẩu đạt kim ngạch 56,5 tỷ USD, 2021 là hơn 65,5 tỷ USD. Con số xuất khẩu rất lớn và ngày càng tăng, tuy nhiên chỉ có khoảng 620 DN trong và ngoài nước tham gia vào cung cấp vật tư, linh kiện cho các dự án Samsung tại Việt Nam.
Đáng chú ý, các DN cấp 1 ký trực tiếp với Samsung khoảng 240 DN, trong số này chỉ có 51 DN Việt Nam. Đối với DN cấp 2 thì có 380 DN, trong đó có 203 DN Việt Nam. Điều này cho thấy DN thuần Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất của Samsung còn khiêm tốn.
Cần chính sách khuyến khích đầu tư và kết nối
"Nguồn lực của các DN Việt Nam còn hạn chế, nhiều DN chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ muốn kinh doanh thương mại nhỏ lẻ, nhanh thu lợi nhuận và muốn làm giàu nhanh từ bất động sản, chứng khoán hơn là đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ".
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thẳng thắn cho rằng ngành công nghiệp của chúng ta vẫn rơi vào tình trạng gia công lắp ráp, giá trị gia tăng tạo ra cho đất nước ít do DN Việt không đủ điều kiện để kết nối với DN FDI.
"Các DN FDI cho rằng DN Việt không đủ điều kiện để ký kết với họ, trong khi phía DN Việt Nam chia sẻ, nếu không chắc chắn có thể tham gia vào chuỗi liên kết đó thì họ cũng không dám đầu tư", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu thực tế.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt vấn đề chính sách của chúng ta phải như thế nào để các DN trong nước có thể lớn lên, để có thể đủ điều kiện tiếp cận và ký kết với các DN FDI nhằm cùng nhau phát triển.
Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng cần hoàn thiện các thể chế, trong đó có Luật phát triển công nghiệp. Hiện, tất cả các ngành, lĩnh vực đều có Luật trừ ngành công nghiệp. Đây là ngành quan trọng nhưng lại chưa có luật điều chỉnh.
Riêng Bộ KH&ĐT đang sửa Nghị định 82 về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp Việt Nam. Trong đó, cơ quan này đã đề xuất rất nhiều cơ chế chính sách mới để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trong tình hình mới như tiếp cận đất, vốn, công nghệ.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số DN Việt Nam.
Bên cạnh đó cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...), vì theo quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các DN sản xuất sản phẩm CNHT.
"Việc kết nối các DN, tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và kèm cặp cũng như đặt hàng, hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cung cấp cho họ để từ đó các DN Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT", ông Hoàng kiến nghị.
Đặc biệt vấn đề khởi nghiệp, ông Hoàng cho rằng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các thanh niên Việt Nam đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền CNHT phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân, doanh nghiệp CNHT 100% Việt Nam.
"Nguồn lực của các DN Việt Nam còn hạn chế, nhiều DN chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ muốn kinh doanh thương mại nhỏ lẻ, nhanh thu lợi nhuận và muốn làm giàu nhanh từ bất động sản, chứng khoán. Không tập trung, chú trọng và sản xuất các sản phẩm CNHT và phần lớn các DN Việt Nam lại chỉ nhìn thấy khó khăn quá lớn khi đầu tư vào CNHT", ông Hoàng đánh giá.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, chia sẻ đúng là không nhiều người mặn mà đầu tư vào CNHT. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ có khoảng 300-400 công ty tham gia, một phần vì lĩnh vực khó, lợi nhuận không hấp dẫn. Vì vậy, người nào thật yêu, đam mê nghề thì mới đầu tư vào lĩnh vực này, còn không sẽ đầu tư vào những lĩnh vực hấp dẫn hơn như bất động sản... Do vậy, cần có cơ chế ưu đãi rõ ràng để thu hút dòng vốn đổ vào lĩnh vực CNHT trong thời gian tới.
Nhật Linh