Năm 2021, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước được đánh giá là sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với sự dịch chuyển vốn của nhiều "ông lớn" ngoại vào Việt Nam. Song đến nay, CNHT trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập
Tại hội nghị tổng kết ngành dệt may mới diễn ra, nhiều doanh nghiệp may mặc đã than phiền rất nhiều về câu chuyện phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt vấn đề: Trung Quốc phát triển công nghiệp lên giai đoạn cao, song họ vẫn đặt dệt may là ngành trọng yếu. Trong khi thời gian qua, dường như chúng ta luôn có suy nghĩ rằng ngành dệt may không mang lại nhiều giá trị gia tăng, vì vậy việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cũng bị hạn chế.
Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp còn thấp, chủ yếu phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. |
"Chúng tôi không đòi ưu tiên quá lớn cho ngành dệt may, sẵn sàng đứng sau ngành có tăng trưởng cao hơn. Nhưng nếu lao động vẫn còn thiếu việc làm, còn nhiều dư địa kinh doanh thì sao không tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển?", ông Trường băn khoăn.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, ngành dệt may đang phải nhập khẩu từ 65-70% nguyên phụ liệu, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may Việt Nam mạnh về sợi, may nhưng hổng về dệt nhuộm. Việt Nam xuất sợi sang Trung Quốc, sau đó lại nhập vải về. Quy hoạch mà đề xuất dệt nhuộm thì các địa phương sợ, bởi họ nghĩ ngay tới câu chuyện ô nhiễm môi trường.
Theo các doanh nghiệp dệt may, nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn. Hiệp định CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nhưng muốn có sợi thì cần có bông. Do vậy, ngành dệt may trong vòng luẩn quẩn là nhập bông về xe sợi, song bán sợi rồi lại nhập vải.
Theo đó, các doanh nghiệp dệt may đề xuất Chính phủ cần sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để ngành có thể tự túc được nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Không chỉ dệt may, công nghiệp chế biến chế tạo luôn được đánh giá là mang lại nhiều giá trị gia tăng nhưng sự phát triển vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Thời gian qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều "ông lớn" công nghệ như Foxconn, Luxshare, Pegatron, LG... đã tăng đầu tư ở Việt Nam. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNHT nội địa cung cấp linh phụ kiện. Song thực tế, việc tận dụng cơ hội này vẫn còn bỏ ngỏ.
Vẫn lấn cấn ngành nào quan trọng
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam lý giải, DN sản xuất trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam quá ít nếu so với các nước láng giềng như Thái Lan. Qua thực tế đi khảo sát sản xuất, chỉ khoảng 1.000 công ty Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của nhà mua hàng, trong đó chỉ khoảng 400 doanh nghiệp đang tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Con số này quá ít so với yêu cầu, trong khi Thái Lan đã có 2.000 công ty cung ứng cho ngành ô tô, chưa nói tới ngành khác", bà Bình nói.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển CNHT nhưng lại chưa có chương trình nào khuyến khích doanh nghiệp nội địa đầu tư ngành chế tạo. Đầu tư vào công nghiệp chế tạo thu hồi vốn chậm, nếu không có ưu tiên, hỗ trợ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đi làm thương mại, bất động sản...
"Nếu không có chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này thì sẽ không bao giờ có chuyện một kỹ sư đang làm cho công ty FDI tách ra mở nhà máy mang thương hiệu của Việt Nam", bà Bình thẳng thắn nêu ra vấn đề.
Trong cuộc đua tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Bình cho rằng, Việt Nam cần phải chủ động để tham gia. Chúng ta đừng bị động ngồi đợi doanh nghiệp FDI giúp mình, hoặc nhường một phần việc nào đó cho mình. Để người ta nhường thì mãi mãi vẫn nằm ở câu chuyện gia công, ở ngoài rìa chuỗi giá trị.
Liên quan việc phụ thuộc khối ngoại, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là câu chuyên vô cùng nguy hiểm, muốn lớn mạnh thì phải dựa vào các tập đoàn, doanh nghiệp nội địa. Theo đó, chiến lược phát triển CNHT cần tính tới mục tiêu rõ ràng, trong thời gian tới đâu là tiềm năng, đâu là lợi thế và mục tiêu để hỗ trợ, tránh tình trạng dàn trải, mục tiêu "quả mít".
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) kiến nghị, để tận dụng được làn sóng FDI dịch chuyển và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới, DN rất cần Chính phủ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Mặt khác, sự chủ động của doanh nghiệp CNHT cũng rất cần thiết. "Tôi cũng là CEO của một DN điện tử. Làm việc với một số hãng điện tử lớn trên thế giới, tôi thấy rằng doanh nghiệp cần phải cố gắng, bắt đầu có thể học các doanh nghiệp Nhật Bản cách làm 5S như sắp xếp, kiểm tra rà soát, minh bạch hóa hoạt động; sau đó là sàng lọc để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, quản trị công ty...", bà Hương chia sẻ.
Theo đó, bà Hương cho rằng, doanh nghiệp phải chuẩn bị từ những cái nhỏ trước khi bắt đầu những điều lớn lao. Các tổ chức bên ngoài muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì trước hết họ phải nhìn thấy được quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Ông Trương Thanh Hoài Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Hiện nay, các chính sách pháp luật về CNHT cũng đang bị các luật chuyên ngành chi phối như quy định đất đai, thuế, tín dụng... Do vậy, việc xây dựng những hành lang pháp lý, cùng với chiến lược quy hoạch của các ngành công nghiệp riêng lẻ kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn trong nhiều năm qua của CNHT. Hiện tại, Bộ Công Thương đang xem xét sửa đổi Nghị định 111 về quy định mức hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp CNHT. Ông Đặng Thanh Bình Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường Nhằm nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, tuy đang trong giai đoạn dịch COVID-19, song chúng tôi vẫn đầu tư mở rộng nhà máy để đáp ứng các đơn hàng, đầu tư nghiên cứu công nghệ mới, nâng cao chất lượng đội ngũ công ty... Hiện nay, điểm yếu của sản phẩm Việt Nam là không đồng đều chất lượng, nhiều khi sản phẩm mẫu chất lượng rất tốt nhưng khi làm đại trà, cung cấp số lượng lớn lại không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Ông Keisuke Kobayashi Phó trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Theo khảo sát của JETRO, có gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 1 - 2 năm tới. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tôi tin rằng vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ tăng mạnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, một trong số đó là tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu còn thấp. Tỷ lệ nội địa hóa của Trung Quốc khoảng 70%, của Thái Lan là 60%, nhưng của Việt Nam mới đạt 37%. Vì vậy, có thể thấy doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nhập khẩu là trên 60%. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn đối với lĩnh vực chế tạo. |
Lê Thúy