Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc CTCP Long Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, đánh giá vào mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm này vẫn thật sự rất khó khăn về đầu ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) điều, đặc biệt khi tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới đã ảnh hưởng đến sức mua mặt hàng điều.
Thế khó chung của thị trường
“Nhu cầu giảm, tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine dẫn đến tăng lạm phát, tăng giá cả sinh hoạt trong khi đồng lương lại không tăng. Cho nên người tiêu dùng phương Tây chủ yếu dùng đồng lương để mua những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, khả năng tiêu dùng của họ cho mặt hàng “ăn chơi” như sản phẩm hạt điều bị giảm sút”, ông Sơn nói.
Dù bước vào mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm nhưng để giảm lượng hàng tồn kho của các DN xuất khẩu vẫn là bài toán nan giải. |
Trao đổi với VnBusiness, ông Sơn cho rằng các DN trong ngành điều đã mua nguyên liệu hồi đầu vụ với giá cao, nhưng trước những biến động kéo dài trên thị trường thế giới buộc DN phải bán với giá thấp để thoát hàng và phải chấp nhận thua lỗ khá nhiều.
Không chỉ với ngành điều, mùa cao điểm cuối năm nay cũng không mấy khả quan với nhiều lĩnh vực XK khác khi phải chịu ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế trên toàn cầu. Điều này làm cho đơn đặt hàng cuối năm của nhiều DN giảm sút rất mạnh.
Dưới góc độ của một DN lớn chuyên XK rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới đã ảnh hưởng nhiều đến sức mua mặt hàng rau quả. Nói nôm na, trước đây mỗi tháng người tiêu dùng quốc tế dành 10 đồng mua trái cây Việt, nhưng hiện tại họ chỉ còn dành 6 - 7 đồng...
Do vậy, theo ông Tùng, sức tiêu thụ của mặt hàng rau quả XK của Việt Nam đã bị sụt giảm. Sản lượng trong đơn hàng XK của các DN cũng giảm xuống từ tình hình lạm phát chung.
“Các đơn hàng của chúng tôi trong các tháng cuối năm đã sụt giảm khoảng 12 - 13%. Tất nhiên, tình hình đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các DN trong ngành rau quả, nhưng vẫn chưa nghiêm trọng so với những ngành khác như may mặc, da giày…”, ông Tùng chia sẻ.
Trước khó khăn của các DN XK, cũng nên chú ý trong số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra vào ngày 29/11 cho thấy kim ngạch XK hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan, trị giá XK kỳ 1 tháng 11/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 10/2022 ở một số nhóm hàng sau: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 41,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 296 triệu USD (tương ứng giảm 14,3%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 290 triệu USD (tương ứng giảm 10,9%).
Giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA
Trong báo cáo tháng 11/2022 của một số Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho thấy nổi rõ vấn đề lạm phát, biến động giá hàng hoá, dấu hiệu suy thoái qua một số chỉ số kinh tế ở nhiều thị trường. Điều này rõ ràng đã phần nào gây khó cho hoạt động XK cuối năm.
Không chỉ vậy, động thái cạnh tranh từ các quốc gia XK khác hay những điều kiện khắt khe từ thị trường nhập khẩu vẫn là thách thức không nhỏ cho các DN Việt.
Như thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, dự kiến trong tháng 12 năm nay, Ecuador sẽ mở bộ phận Thương vụ bên cạnh Đại sứ quán Ecuador để thúc đẩy XK vào Canada, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, thuỷ sản khác, trái cây nhiệt đới và ca cao.
Đối với mặt hàng tôm, hiện nay Ecuador đang hưởng thuế MFN (chế độ thuế tối huệ quốc) nên còn kém cạnh tranh so với Việt Nam. Thế nhưng, nếu quốc gia này ký FTA với Canada, chắc chắn XK thuỷ sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hàn Quốc tiếp tục là những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động XK các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Riêng với thị trường Trung Quốc, theo kiến nghị của Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, để hoạt động XK tiếp tục diễn ra thông suốt, các hiệp hội cần không ngừng tuyên truyền và DN XK phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kiểm nghiệm, kiểm dịch và quy định về vùng trồng do Bộ NN&PTNT quy định, cũng như những tiêu chí, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của nước sở tại.
Ngoài những vấn đề như vậy, để tăng tốc XK trong mùa cao điểm cuối năm vẫn đang đòi hỏi các DN cần đa dạng hoá thị trường và tiếp tục khai thác tốt thị trường các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Mặt khác, về phía cơ quan quản lý cần tích cực hỗ trợ thông tin thị trường, tháo gỡ rào cản để DN thâm nhập các thị trường mới.
Trong vấn đề khai thác thị trường trong các FTA, cũng cần lưu tâm đánh giá mới đây từ Ts. Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và tận dụng hiệp định thương mại tự do KTPC, khi cho rằng một số yếu tố cản trở DN hưởng lợi từ các FTA cũng còn tương đối nhiều.
Cụ thể, qua khảo sát có đến 40,1% DN gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng. Ngoài ra, có đến 46,4% DN gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế mặc dù các DN Việt đã biết cách tận dụng các FTA tốt hơn. Hạn chế này có thể nằm ở nhiều yếu tố khác nhau như nguồn vốn và công nghệ dẫn tới hạn chế khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường FTA khó tính, việc thiếu định vị tại thị trường các FTA này…
Nhìn chung, khi “soi” vào mặt khó của hoạt động XK trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm sẽ thấy những khó khăn về mặt khách quan của thị trường, nhưng bên cạnh đó còn có một số yếu tố chủ quan như ông Thưởng đã nêu. Vì vậy, để đẩy mạnh XK rất cần khắc phục mặt chủ quan như vậy, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh và nỗ lực vượt khó hơn nữa của các DN trong thời gian tới.
Thế Vinh