Cuối tuần vừa qua, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) cho biết Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đã công bố Danh sách 10 lô hàng xuất khẩu (XK) vào đảo này trong 7 ngày trở lại đây không vượt qua được kỳ sát hạch kiểm tra tại cửa khẩu, trong đó có 2 lô hàng của Việt Nam.
Nhìn từ “cửa ải” Đài Loan
Theo đó, lô hàng 100 CTN (780kg) nước mắm thương hiệu Đại Thuận Tài khi nhập khẩu vào Đài Loan, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện dư lượng chất bảo quản axit propionic (0.7g/kg) không phù hợp với tiêu chuẩn.
Để nông sản thực phẩm xuất khẩu được “thuận buồm xuôi gió” đang đòi hỏi các DN Việt nên nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. |
Trước đó, trong tháng 10/2022, lô hàng 167 CTN (1.302,60 kg) nước mắm đóng chai thương hiệu Đại Thuận Tài của nhà sản xuất là Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Đại Thuận Tài do Qian Yu Food Enterprise Co., Ltd nhập vào Đài Loan cũng phát hiện dư lượng axit propionic vượt mức cho phép.
Ngoài ra, trong lần này, TFDA cũng công bố lô hàng 27.000 kg khoai môn cắt lát đông lạnh của Nhà sản xuất BAU TROI DEP IMPORT AND EXPORT CO., LTD do Doanh nghiệp PU SHENG International Limited Company ở Đài Loan nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện có dư lượng kim loại nặng chì (0.4 mg/kg) vượt mức cho phép (0.1 mg/kg).
Như lưu ý của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, theo quy định của Đài Loan, các lô hàng không đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm tại cửa khẩu đã được yêu cầu trả về hoặc bị tiêu hủy.
Cần nhắc thêm, hồi giữa tháng 11/2022, Bộ Công Thương có văn bản cho biết sản phẩm mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ bị phía Đài Loan phát hiện hàm lượng Etylen oxit (EO) không phù hợp với tiêu chuẩn.
Cụ thể, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện hàm lượng Etylen oxit không phù hợp với tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng Etylen oxit được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438 mg/kg) mà còn phát hiện cả vắt mì (0,107 mg/kg).
Để giữ uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam trên thị trường XK, Bộ Công Thương đề nghị CTCP Thực phẩm Á Châu khẩn trương báo cáo thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường XK, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và XK sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.
Không chỉ vậy, công ty này cần báo cáo đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Etylen oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.
Từ những thông tin nêu trên, qua tìm hiểu của VnBusiness được biết, từ tháng 8/2022 phía Đài Loan đã sử dụng hệ thống quản lý số hóa thực phẩm nhập khẩu. Để quản lý các sản phẩm có mức độ rủi ro cao về an toàn thực phẩm, trước khi XK vào Đài Loan sẽ cần tiến hành kiểm tra đánh giá tính hệ thống, Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan (MOHW) cũng đã ban hành Biện pháp thực thi kiểm tra đánh giá tính hệ thống thực phẩm XK.
Phải tìm hiểu kỹ trước khi xuất hàng
Không chỉ vất vả trước “cửa ải” ở thị trường nêu trên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) XK nông sản thực phẩm của Việt Nam cũng gặp tình trạng các lô hàng XK đi một số thị trường khác có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu huỷ. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là vì DN XK không nắm được thông tin cũng như quy định của nước nhập khẩu.
Chính điều này làm cho không ít sản phẩm nông sản thực phẩm của DN Việt bị phát hiện dư lượng thuốc bảo về thực vật và kháng sinh, buộc phải tiêu hủy cả lô hàng hoặc xuất trả về.
Theo giới chuyên gia, việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh phụ thuộc vào từng nước, có nước quy định thấp, có nước quy định rất nghiêm ngặt. Cho nên các DN XK phải tìm hiểu kỹ càng trước khi xuất hàng đi.
Như với Trung Quốc, Ts. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết thị trường này đang có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
Bên cạnh đó, theo ông Hoà, ở một số thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đòi hỏi cao về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Cho nên các DN Việt cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật) của thị trường.
Những vấn đề này cũng nên liên hệ đến quả bưởi của Việt Nam khi chính thức XK chính ngạch lô bưởi đầu tiên vào Mỹ vào ngày 28/11 sau gần 6 năm đàm phán. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam XK sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Không những thế, quả bưởi XK đi Mỹ phải đảm bảo loại quả không có tì vết trên bề mặt và được đóng gói ở cơ sở đóng gói do Mỹ cấp phép... Trái bưởi sẽ được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Mỹ cấp phép APHIS. Đối với kiểm dịch thực vật, áp lực quản lý sâu bệnh hại trên đồng ruộng và vùng trồng đóng vai trò cốt lõi trong vấn đề XK.
Từ đó cho thấy để nông sản thực phẩm XK được “thuận buồm xuôi gió” đang đòi hỏi các DN Việt nên nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Và điều quan trọng là cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm khi hướng đến XK.
Thế Vinh