Là người có kinh nghiệm tham gia những đợt kết nối giữa doanh nghiệp (DN) Việt với các kênh phân phối quốc tế, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Tập đoàn Walmart (Mỹ) tại Việt Nam, đã bày tỏ băn khoăn khi tiếp xúc với nhiều DN nội địa muốn đưa hàng hóa vào Walmart là họ không hiểu gì về nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ này.
Cần biết mình, biết người
Theo ông Trọng, các DN thấy Walmart với vị trí một nhà phân phối lớn trên toàn cầu nên rất muốn kết nối, tuy nhiên có một cảm giác chung là những DN này không sẵn sàng để trao đổi các vấn đề liên quan. Bởi vì họ không tìm hiểu trước về Walmart là như thế nào, và cũng không hiểu rõ cách thức vận hành của một retailer (nhà bán lẻ) lớn trên thế giới.
Các DN Việt cần khắc chế những điểm yếu của mình để việc kết nối với những nhà phân phối quốc tế được thuận lợi hơn. |
Như lưu ý của vị trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới này, một khi DN Việt muốn làm việc trực tiếp với các retailer quốc tế đòi hỏi họ phải chủ động tất cả mọi thứ. Trong khi đó, có một số bộ phận DN do ảnh hưởng một phần tư duy của người chủ DN nên không muốn mở rộng kênh sản xuất, phân phối của họ một cách trực tiếp với các retailer.
“Điều này cũng phụ thuộc vào định hướng chiến lược của mỗi DN, nhưng như vậy rất tiếc cho họ. Bởi lẽ, nếu như DN Việt làm việc trực tiếp với retailer sẽ rất là khác, đặc biệt là học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc”, ông Trọng bộc bạch.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, vừa qua trong cuộc gặp song phương giữa Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Tập đoàn Walmart thì phía tập đoàn này có cho biết về kế hoạch mở rộng hoạt động thu mua tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho xu hướng của các nhà phân phối lớn đối với thị trường Việt trong thời gian tới.
“Các nhà phân phối lớn của Mỹ luôn muốn tìm kiếm và phát triển cơ sở các nhà cung cấp tin cậy và linh hoạt. Và đồng thời họ muốn duy trì cách tiếp cận bền vững để đảm bảo nguồn cung ổn định đối với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại thị trường Mỹ”, ông Hưng nói.
Chính vì vậy, trước các cơ hội đang mở ra từ những nhà phân phối lớn của Mỹ, sẽ là điều đáng tiếc rất lớn nếu như các DN Việt không tận dụng được một khi chưa khắc phục được điểm yếu cố hữu của mình.
Do đó, lời khuyên được ông Nguyễn Đức Trọng đưa ra cho những DN nội địa khi muốn nắm bắt cơ hội bán hàng vào các kênh phân phối lớn ở Mỹ là phải thay đổi cách tư duy và cách làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay và những chuyển dịch nhanh của thị trường thế giới. Còn nếu như các DN vẫn bị động, chỉ ngồi chờ các nhà phân phối đến “gõ cửa” thì sẽ tiếp tục là bước thụt lùi.
Mở hướng đi mới
Ngoài ra, để hàng hóa của DN Việt không chỉ thâm nhập vào chuỗi bán lẻ của Mỹ mà còn cho các kênh phân phối quốc tế khác, đòi hỏi họ phải đạt đến một tầm thương hiệu nhất định và thích ứng với một số tiêu chuẩn thì mới có thể vào được.
Như với vấn đề về thương hiệu để giúp DN Việt vươn ra “biển lớn” thông qua các kênh phân phối quốc tế, Ts. Đặng Thảo Quyên (Đại học RMIT) cho rằng các DN cần nâng tầm thương hiệu dựa trên chất lượng, tính đổi mới và bền vững. Nhìn về phía trước, giá trị của một thương hiệu trước tiên và trên hết phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
“Một điều tôi nhận thấy là các sản phẩm và dịch vụ của các DN Việt còn rất nhiều cơ hội để tiếp tục cải thiện. Tôi rất mong các DN có sự đầu tư đúng đắn, đổi mới liên tục và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường”, Ts. Quyên chia sẻ.
Để làm được điều đó, theo vị chuyên gia của RMIT, các DN cần thực sự lắng nghe khách hàng, tìm hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới. Không chỉ chạy theo xu hướng, các DN Việt Nam nên tìm những hướng đi mới, ví dụ như sản phẩm xanh, phát triển bền vững, quản trị minh bạch và công bằng, góp phần vào các vấn đề bình đẳng. Tiếp theo đó, nên khuyến khích các DN Việt tìm cách kể câu chuyện của mình với bản sắc Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
Hoặc như với tiêu chuẩn về sản phẩm xanh khi đưa hàng Việt vào kênh phân phối ở nước ngoài. Nếu như các DN Việt nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm xanh vào những chuỗi siêu thị ở nước ngoài chắc chắn sẽ mang lại cho họ cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết áp lực xanh từ các nhà bán lẻ toàn cầu và mở lối cho các biện pháp bền vững tốt hơn. Điều này cũng nêu bật thực tế rằng các DN địa phương đi theo con đường sản xuất xanh sẽ có được cơ hội tiếp cận với những nhà phân phối lớn ở các thị trường khó tính hơn và học hỏi các tiêu chuẩn, quy trình và mô hình mới.
Về vấn đề này, trao đổi với VnBusiness, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, cho biết hiện nay phía nhà bán lẻ Aeon (Nhật Bản) rất chú trọng lựa chọn những DN nào có phương hướng phát triển sản xuất xanh.
Chẳng hạn đối với mặt hàng là trái chuối, theo ông Shiotani, sẽ giảm bớt lựa chọn những DN nào có nhiều lượng phát thải phát sinh ra môi trường. Hoặc với sản phẩm cà phê, sẽ ưu tiên chọn sản phẩm cà phê được các tổ chức thương mại công bằng chứng nhận là đã được sản xuất theo tiêu chuẩn Fair Trade, tức là đảm bảo công bằng thương mại đối với nơi thu mua sản phẩm.
Song song đó, để giúp cho các nhà cung ứng Việt phần nào khắc phục được điểm yếu của mình, ông Shiotani cho biết đã thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn về những quy định, quy chuẩn hoặc những yêu cầu đối với DN. Để từ đó các DN Việt có thể mang được những sản phẩm của họ đến bán trong các cửa hàng của Aeon trên thế giới.
Tựu trung lại, để hàng Việt khơi thông vào các kênh phân phối quốc tế thì bản thân các DN nội địa muốn bán hàng vào đây sẽ phải cần soi rọi lại những điểm yếu cố hữu của mình để vừa khắc phục vừa mở lối hướng đi mới. Đặc biệt là cần chủ động tìm hiểu rõ về nhà phân phối, đạt được mức độ nhất về thương hiệu và các tiêu chuẩn, đáp ứng xu hướng sản xuất xanh…Để từ đó con đường để đưa hàng Việt vào các kênh phân phối quốc tế sẽ trở nên rộng mở và thẳng tắp.
Thế Vinh