Trong báo cáo mới phát hành vào trung tuần tháng 2/2023 của Công ty chứng khoán VCBS về CTCP Thế giới Di động (MWG), cho rằng doanh thu hai chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy xanh được dự báo phục hồi chậm ở mức 1 con số, tăng trưởng 7% trong năm 2024.
Mục tiêu có “quá sức”?
Dự báo này dựa trên trên cơ sở kinh tế phục hồi, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho tiêu dùng trong nước và hàng tồn kho đối với các sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) đã về mức thấp. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rủi ro là sức mua hồi phục chậm hơn dự kiến đối với mảng ICT, cạnh tranh giá tiếp tục gay gắt.
Thị trường bán lẻ Việt cần tiếp tục có thêm các giải pháp khác để giúp sôi động trở lại. |
Riêng với chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) của MWG, Bộ phận phân tích của VCBS nhận định doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ và mở mới một cách chọn lọc.
Với giả định doanh thu thuần của BHX đạt 36.700 tỷ trong 2024 (tăng trưởng 18%) và MWG tiếp tục cắt giảm chi phí, phía VCBS kỳ vọng BHX có thể đem về lãi ròng 300 – 400 tỷ trong 2024. Tuy nhiên, mức lãi ròng sẽ không đạt cao như vậy nếu như BHX không tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ như kỳ vọng (tăng trưởng dưới 15%).
Cần nhắc thêm, trong năm 2024 Hội đồng quản trị MWG đã thông qua mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5%, lên 125.000 tỷ năm nay, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng và dự kiến trình cổ đông trong phiên họp thường niên sắp tới.
Thế nhưng, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về mục tiêu lợi nhuận “quá sức” của nhà bán lẻ này khi mà thị trường vẫn còn gặp nhiều thách thức ở phía trước, cũng như áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Còn trong báo cáo tài chính của Masan mới công bố trong giữa tháng 2/2024 cho thấy Công ty WinCommerce (WCM) - đơn vị vận hàng bán lẻ WinMart/WinMarrt+/WIN, đã đưa ra mục tiêu cho năm 2024 đạt doanh thu thuần từ 32.500 - 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%.
Phía Masan tin rằng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm 2024 và phục hồi nhanh chóng trong nửa năm còn lại. Và nhà bán lẻ WinCommerce được cho là đang trên đà gặt hái lợi nhuận bền vững trong năm nay.
Trong khi đó, quan sát thị trường bán lẻ hiện nay, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định từ đầu năm 2024 đến nay có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, việc thúc đẩy này đang gặp phải những rào cản lớn từ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến bức tranh bán lẻ hiện tại.
Cần thêm nhiều giải pháp khác
Ngoài ra, chính sách giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến “lờn”, không còn phát huy tác dụng kích cầu. Vì vậy, theo ông Đức, cần những giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Nhà nước cũng có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường.
Để thúc đẩy tiêu dùng trong năm nay, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng lượng khách du lịch tăng trở lại (dự đoán có khoảng 16,4 triệu lượt khách quốc tế sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm 2024, tăng 30% so với năm 2023, còn khách du lịch nội địa tăng 7%) sẽ thúc đẩy các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí, giúp nhu cầu tiêu dùng cải thiện đáng kể.
Riêng với tiêu dùng thiết yếu, theo kỳ vọng của VnDirect, sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024 và góp phần củng cố nhu cầu trong nước.
Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục triển khai gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.
Còn với hàng hóa không thiết yếu, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ được dự đoán sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng. Như dữ liệu của World Data Lab, vào năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu (đứng thứ 5 trong 9 quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ có số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu lớn nhất vào năm 2024) và đến năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Dân số tăng nhanh, đặc biệt sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng các mặt hàng có thương hiệu và chất lượng cao tại Việt Nam.
Riêng với nhu cầu sản phẩm ICT và điện tử tiêu dùng được cho là vẫn bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay. Giới phân tích cho rằng các công ty bán lẻ và phân phối điện tử tiêu dùng ở lĩnh vực này tiếp tục bị ảnh hưởng do đây là các sản phẩm mà khách hàng cắt giảm nhiều nhất khi thu nhập bị ảnh hưởng. Nhu cầu về sản phẩm ICT có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2024 - đầu 2025 sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2023.
Chẳng hạn như với thị trường bán lẻ điện thoại di động. Theo VnDirect, niềm tin của người tiêu dùng phục hồi chậm cho thấy sẽ cần thêm thời gian để nhu cầu thay điện thoại mới của người tiêu dùng quay trở lại.
Do đó, kỳ vọng chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024, khi các mẫu điện thoại mới được ra mắt và nền kinh tế dần phục hồi. Và phải đến năm 2025 thì doanh thu mảng ICT và điện máy mới có thể trở lại mức của năm 2022 – mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.
Để tiếp cải thiện thị trường bán lẻ không thiết yếu, điều kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, thu nhập của người tiêu dùng cải thiện giúp tỷ lệ nợ xấu tại các công ty cho vay tiêu dùng giảm sẽ kéo theo tín dụng tiêu dùng quay trở lại vào nửa cuối 2024. Dòng tiền từ tín dụng giải ngân cho tiêu dùng quay lại sẽ có tác động tích cực đến nhóm hàng hóa không thiết yếu (có thể đóng góp tới 30% doanh thu cho các công ty bán lẻ).
Thế Vinh