Để góp phần giảm thiểu chi phí logistics tại Việt Nam, ông Tony Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT công ty Smartlog, cho biết doanh nghiệp (DN) này sắp sửa đưa ra thị trường một sàn giao dịch vận tải online với tầm quy mô lớn ở Việt Nam, tận dụng các công nghệ hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo, các thuật toán thông minh.
Lãng phí hàng tỷ USD
Vừa qua, công ty Smartlog đã triển khai những dự án về giảm chi phí logistics cho các chủ hàng, nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các công ty kho vận. Đơn cử như một DN trước đây vận hành đội xe gồm hàng trăm chiếc bằng cách thức thủ công, sau khi ứng dụng phần mềm quản lý vận tải đã tăng được hiệu suất vận hành và cắt giảm chi phí vận tải được 15 – 20%.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra tại Tp.HCM ngày 1/11, ông Tony Hiếu cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc vận hành logistics ở Việt Nam hiện nay là có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vận hành của một chuỗi logistics.
"Về vĩ mô là yếu tố hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, cần nhận thấy điểm yếu tư duy theo truyền thống của các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào quản trị logistics hàng ngày. Để thay đổi tư duy đó của các DN là cả một thách thức lớn", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đánh giá, chi phí logistics ở Việt Nam ước tính khoảng 38,8 tỷ USD, bằng khoảng 20,9% GDP – một con số khá cao so với mặt bằng chung của khu vực và cả thế giới. Trong đó, chi phí cho vận tải chiếm 59% tổng chi tiêu logistics.
Trên thực tế, 70% xe hàng "rỗng" một chiều làm đội chi phí vận tải 30%. Điều đáng nói, theo khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chưa có đến 15% số lượng DN logistics sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quản lý kho (WMS), hệ thống quản lý vận tải (TMS) trong vận hành kho bãi, vận tải.
Kết quả khảo sát của VLA còn cho thấy tại các DN vận tải, thông thường một kế toán phải mất 3-6 ngày/tháng để tổng hợp chứng từ vận tải và đối chiếu. Còn tài xế thì mất trung bình 5 phút nghe/ gọi điện thoại/chuyến xe tương đương khoảng 5.000 đồng. Trung bình thời gian chờ đợi xếp dỡ, chứng từ chiếm 50% thời gian khai thác xe tuyến ngắn (dưới 100km).
Từ đó có thể thấy ngành vận tải Việt Nam đang lãng phí hàng tỷ USD/năm, trong khi 70% lượng xe tải và đầu kéo thuộc các DN vừa và nhỏ. Về chất lượng dịch vụ, tỷ lệ giao hàng đúng hạn và đầy đủ thực tế là dưới 90%. Tuy nhiên, vẫn ít có sự chọn lựa tốt hơn cho chủ hàng, trong lúc lĩnh vực này có quá nhiều chứng từ và thiếu kết nối.
Chi phí vận tải cao được cho là do khả năng kết nối mạng lưới kém, thời gian xe vận hành không tải quá lớn (trên 30%). Ngoài ra, còn có các phát sinh về chi phí "chìm" và chi phí cơ hội.
Giảm chi phí logistics đang là một thách thức lớn |
Thay đổi tư duy
Sử dụng việc giám sát vận tải theo cách truyền thống nên tài xế cần rất nhiều chứng từ (phiếu xuất/nhập kho, hóa đơn, chứng từ). Việc nhập liệu cũng thủ công, dễ sai sót và tốn nhiều thời gian đối chiếu số liệu thanh toán. Điều này dẫn đến khó đo lường hết chi phí và khó có cơ sở cải tiến quy trình vận hành.
Với tài xế truyền thống, xếp dỡ hàng hóa chiếm trên 50% thời gian, lại phải xử lý nhiều giấy tờ (hóa đơn, chứng từ, vé...). Trong khi đó, nếu DN được ứng dụng số hóa thì sẽ có kho chuẩn bị hàng hóa và nhân sự trước khi xe đến, đồng thời giảm thiểu giấy tờ thủ công và sử dụng smartphone để cập nhật.
Theo đó, hệ thống phần mềm sẽ lập kế hoạch vận tải tự động, giám sát hoạt động đội xe bằng smartphone. Trên máy tính đề xuất lộ trình tối ưu. Điều này vừa cải thiện cả về chi phí và chất lượng giao dịch, cũng như nhìn thấy và kiểm soát toàn bộ các quy trình.
Vấn đề nặng gánh chi phí logistics và những đòi hỏi cần chuyển hướng theo công nghệ số hóa cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo "Kỷ nguyên kinh tế mới: Thay đổi và tác động" do Câu lạc bộ giám đốc điều hành (CEO Club) tổ chức cùng ngày tại Tp.HCM.
Giới chuyên gia cho rằng để giảm chi phí logistics ở Việt Nam, ngay lúc này bản thân các chủ DN cần thay đổi tư duy về vận tải, nhất là cần số hóa hoạt động vận tải, xem đây là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả.
Đây là thời điểm tốt nhất với nhiều cơ hội tiếp cận giải pháp công nghệ số hóa, nên các DN logistics cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ trước khi khách hàng đòi hỏi sự thay đổi.
Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế ở Việt Nam, việc giải quyết bài toán giảm chi phí logistics nên đi theo hướng này. Mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics cũng sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng.
Như chia sẻ của ông Marek Forysiak, Phó Tổng Giám đốc FE Credit, kỷ nguyên mới Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra, mang đến nhiều phương tiện mới, nền tảng mới thay đổi hành vi của khách hàng từng phút, từng giây.
Vì thế, lĩnh vực logistics ở Việt Nam hoặc là nắm bắt xu hướng mới trong việc chuyển đổi số hóa để tiến bộ, giảm chi phí hoặc là trở nên lạc hậu, kém cạnh tranh khi khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn và dễ dàng tiếp cận những phương thức mới mẻ hơn.
Thế Vinh