Bộ Công Thương vừa có báo cáo về cơ hội đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn mà PVN đề xuất.
Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu có tổng đầu tư hơn 18 tỷ USD. |
Theo báo cáo của PVN, khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án rất lớn (giai đoạn 1: 12,5 - 13,5 tỷ USD; giai đoạn 2: 4,5 - 4,8 tỷ USD).
Góp ý về siêu dự án trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương rà soát cơ chế, chính sách về phát triển thương mại và thị trường trong nước, đánh giá khả năng cung ứng sản phẩm lọc hóa dầu trong nước/nhập khẩu, nhu cầu tổng thể năng lượng quốc gia (sản xuất, dự trữ) để làm rõ sự cần thiết đầu tư của dự án.
Về quy mô đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng trong thời gian vừa qua, với những thay đổi nhanh chóng về tình hình chính trị thế giới, xu hướng chuyển dịch năng lượng, thị trường sản phẩm lọc dầu trên thế giới (dư thừa công suất) ảnh hưởng đến chiến lượng phát triển, hiệu quả đầu tư lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN. Do vậy, đề nghị PVN tính toán, xác định quy mô, tiến độ đầu tư phù hợp, đề xuất bổ sung dự án vào các Quy hoạch liên ngành.
Cụ thể, PVN cần đánh giá tình hình thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu (dầu, khí) trong nước hoặc nhập khẩu ổn định, lâu dài, làm nguyên liệu đầu vào của dự án lọc hóa dầu, đảm bảo mục tiêu gia tăng giá trị sử dụng tài nguyên dầu khí, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng sản phẩm lọc dầu, hóa dầu trong nước, an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, bám sát tình hình thế giới, xu hướng dịch chuyển năng lượng, hạn chế phát thải, bảo vệ môi trường để tính toán, cân đối cung cầu thị trường sản phẩm lọc hóa dầu trong nước và trên thế giới, đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của dự án lọc hóa dầu.
Về nguồn vốn đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị PVN báo cáo khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của PVN (đến năm 2030) để đảm bảo khả năng, nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao; phương án huy động vốn đầu tư.
Liên quan tới vấn đề nguồn vốn, Bộ Công Thương cũng cho rằng PVN xem xét và làm rõ các nội dung về nguồn vốn đầu tư trong quá trình triển khai nghiên cứu đầu tư dự án: Khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển của Chủ đầu tư dự án (PVN và các đối tác khác, nếu có) đến năm 2030, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí và các nhiệm vụ khác được Chính phủ giao; phương án huy động vốn vay.
Trước những góp ý trên, Bộ Công Thương đề nghị PVN tiếp tục nghiên cứu dự án; hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch tổng thể hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt.
Theo báo cáo của PVN trước đó, dự án tổ hợp được chia hai phần, gồm dự án lọc hóa dầu và dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, xăng dầu. Dự án lọc hoá dầu sẽ sử dụng tối đa nguyên liệu dầu thô, khí... trong nước. Phần nguyên liệu dầu thô thiếu hụt để sản xuất sẽ được nhập từ Trung Đông, Mỹ... Còn kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia dự kiến có công suất 1 triệu tấn một năm; kho sản phẩm xăng dầu 500.000 m3 mỗi năm.
Tập đoàn này dự kiến tháng 1 năm sau sẽ trình Chính phủ chấp thuận chủ trương khi đủ hồ sơ; lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào nửa cuối năm 2023 và quý I/2024 có thể phê duyệt quyết định đầu tư. Thời gian chọn nhà thầu EPC và xây dựng tổ hợp dự án sẽ diễn ra trong 3 năm, cuối 2027 hoàn thành.
L. Thúy