Tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra, đại diện Bộ NN&PTNT nêu những thông tin sơ bộ về kết quả của chuyến kiểm tra tình hình thực hiện quy định IUU qua chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ tại Cà Mau vào cuối tháng 6.
Còn tàu cá vi phạm, hải sản sẽ không được gỡ ‘thẻ vàng’
Theo ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, qua kiểm tra, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, xác nhận chứng nhận truy xuất nguồn gốc đảm bảo… Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạn chế như để xảy ra tàu cá - ngư dân địa phương bị nước ngoài xử lý; kết quả xử lý, xử phạt vi phạm hành chính còn thấp so với yêu cầu; mất kết nối giám sát hành trình xảy ra phổ biến nhưng vẫn chưa xử lý triệt để; chưa có giải pháp tàu cập bến cảng tư nhân, nên việc thống kê và giám sát đầy đủ tàu cá qua cảng của các địa phương chưa đạt yêu cầu.
Sau gần 6 năm (kể từ ngày 23/10/20217), hải sản Việt Nam vẫn chưa được EC gỡ thẻ vàng. |
Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu từ nay đến tháng 10 triển khai đồng bộ các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU yêu cầu, trọng tâm không để xảy ra tàu cá, ngư dân vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, quản lý đội tàu, giám sát hành trình, đảm bảo độ tin cậy cho các lô hàng xuất khẩu vào châu ÂU… chuẩn bị tốt để báo cáo đoàn kiểm tra của EC vào tháng 10 năm nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra thực tế đáng lo ngại khi gần 6 năm qua, hải sản vẫn chưa thể gỡ được thẻ vàng. Hiện nay, hải sản xuất khẩu sang EU đang bị kiểm soát 100% lô hàng, thời gian thông quan 2 tuần, kéo theo đó chi phí tăng cao.
"Không chỉ ở thị trường EU, Nhật Bản cũng đã nêu vấn đề này với Việt Nam, Mỹ yêu cầu phía Việt Nam phải “giải trình”, và đặc biệt “không chỉ IUU trên biển, còn IUU trên rừng”, ông Tiến nói.
“Vừa qua, đoàn kiểm tra EC chưa đến kiểm tra vì họ nói tàu cá của chúng ta vẫn vi phạm, một khi còn vi phạm thì chưa thể gỡ "thẻ vàng". Cụ thể, yêu cầu tàu cá cần viết nhật ký nhưng kết quả nhiều tàu lại viết hồi ký, 10 tàu giống nhau cả 10, nguồn gốc chưa rõ ràng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra.
Thực tế, lo ngại của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là hoàn toàn có cơ sở, bởi thị trường EU đang ngày càng siết chặt kiểm tra về chất lượng sản phẩm. Ngày 16/5 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.
Đặc biệt, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Theo quy định mới về EUDR, chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU. Được biết, 2,3 tỷ Euro từ các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu rơi vào các mặt hàng cà phê (chiếm 47,5%), gỗ (35,2%) và cao su (17,1%).
Thị trường EU dẫn dắt các quy định mới
Dự báo xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.
Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, ông Tiệp cho hay, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.
Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và doanh nghiệp này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.
Thị trường EU là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới, theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.
“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại”, ông Tiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, việc tháo gỡ thẻ vàng, các rào cản phi thuế quan cần nói thật, làm thật, hành động thật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc không phải theo cách đối phó mà còn đảm bảo tương lai của các ngành hàng.
Với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phân tích về đối tượng ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng. Ví dụ như với rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%, hạt điều 1,6 tỷ USD (tăng 7,7%),...
“Chúng ta nhìn từ bức tranh thị trường, bức tranh ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý. Với nỗ lực của toàn ngành, hết năm có thể xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 54 tỷ USD, dù trong bối cảnh khó khăn”, ông Tiến nói. Đồng thời cho biết, sản xuất nông nghiệp bền vững là bệ đỡ, đã không sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì đừng mong xuất khẩu cao, bền vững.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 3 trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng. Trong đó, thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh. Để nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững sang EU, thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường này (an toàn thực phẩm, môi trường, lao động). Với các thị trường khác cũng vậy, nhà sản xuất phải coi trọng, hiểu rõ và tuân thủ những quy định của hiệp định thương mại. Vì vậy, nhà quản lý, các doanh nghiệp cần cần quan tâm đến tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất. Cùng với đó, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chỉ tiêu chất lượng, chứng chỉ mềm như: Chỉ số carbon, bảo vệ môi trường, lực lượng lao động không có lao động trẻ em, tỷ lệ lao động phụ nữ… để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ông Trần Ngọc Quân Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Ngay từ đầu năm nay, EU đã đưa ra nhiều quy định yêu cầu các đối tác xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ các quy định về môi trường, lao động, chống phá rừng… Điều này liên quan tới nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như đồ gỗ, nội thất. EU sẽ đẩy mạnh kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, chống gian lận thương mại, bất hợp pháp… Những động thái này sẽ gây ra những khó khăn cho các nước khi tiếp cận thị trường EU. Do đó, đòi hỏi các nhà quản lý xuất khẩu Việt Nam phải chặt chẽ hơn trong việc áp dụng các quy định. Bà Lê Hằng Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO Những năm qua, giá trị xuất khẩu hải sản sang EU dù vẫn tăng, nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của "thẻ vàng" IUU. Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hải sản sang thị trường EU vẫn đối mặt với những thủ tục làm giấy xác nhận, chứng nhận còn bất cập và khó khăn. |
Nhật Linh